Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

'Cú hích' giờ chót cho bà Kamala Harris

Trong buổi vận động tại Texas, nữ ca sĩ Beyoncé đã ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris, nói rằng nước Mỹ đang trên “bờ vực lịch sử”.

Bà Harris và ca sĩ Beyoncé trong buổi vận động tối 25/10. Ảnh: Houston Chronicle.

Vào ngày 25/10, Beyoncé đã mang sức ảnh hưởng của mình đến buổi vận động của Phó tổng thống Kamala Harris tại Texas - quê hương của nữ ca sĩ. Trong đó, cô tuyên bố nước Mỹ đang trên “bờ vực lịch sử” khi bà Harris cảnh báo lệnh cấm phá thai gần như hoàn toàn của Texas có thể trở thành luật trên toàn quốc nếu cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử, theo Guardian.

“Đối với tất cả đàn ông và phụ nữ ở đây, và những người đang dõi theo từ khắp đất nước, chúng tôi cần các bạn”, Beyoncé nói với đám đông 30.000 người tại sân vận động Shell Energy ở Houston.

Khi cuộc đua tổng thống đang ở thế giằng co, bà Harris đã tạm dừng chiến dịch trên 7 bang chiến địa để xuất hiện tại Texas, nơi được coi là có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa, nhằm thu hút sự chú ý đến các hạn chế phá thai của bang này và tác động tới những cử tri vẫn chưa quyết định hoặc chưa bỏ phiếu.

“Hãy nói rõ điều này: Nếu tái đắc cử, ông Donald Trump sẽ cấm phá thai trên toàn quốc”, bà Harris nói với khán giả.

Đây là buổi vận động lớn nhất từ trước đến nay của phó tổng thống. Bà Harris đã bước lên sân khấu trong giai điệu bài hát “Freedom” (Tự do) của Beyoncé.

Mối đe doạ

Bà Harris đã lấy chủ đề “tự do” là trọng tâm cho chiến dịch tranh cử tổng thống lần này. Trong những ngày cuối trước cuộc bầu cử, bà đã vẽ lên bức tranh về ông Trump như một mối đe dọa đối với những tiến bộ mà nước Mỹ từng đạt được - xói mòn quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản, hạ thấp quyền của cộng đồng LGBTQ và đe dọa chính nền dân chủ.

Bà Harris phát biểu trước đám đông hàng nghìn người. Họ đã chờ đợi hàng giờ trong cái nóng ẩm của Houston để tham dự buổi vận động. Những người tham dự được phát vòng tay phát sáng với nhiều màu sắc khác nhau. Họ nhảy và hát theo những bài hát trước khi sự kiện bắt đầu.

Thông điệp mà bà Harris muốn truyền tải mang tính cảnh tỉnh. Bà liệt kê những tác động lan rộng của các lệnh cấm phá thai tương tự ở Texas, nơi bà gọi là “điểm xuất phát cho cuộc đấu tranh giành quyền tự do sinh sản”.

“Tất cả điều này cho thấy cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng”, bà nói.

bau cu tong thong my anh 1

Bà Kamala Harris phát biểu trong buổi vận động. Ảnh: New York Times.

Dù có nhiều suy đoán, Beyoncé đã không biểu diễn tại buổi vận động. “Tôi đến đây với tư cách một người mẹ. Chúng ta đang đứng trước một sự thay đổi lớn, trên bờ vực lịch sử”, nữ ca sĩ phát biểu trước đám đông reo hò.

Trong những ngày cuối trước cuộc bầu cử, chiến dịch của bà Harris đang tận dụng sức ảnh hưởng của những gương mặt nổi tiếng nhất trong đảng và cả những người ủng hộ nổi tiếng.

Vào tối 25/10, Willie Nelson, ngôi sao nhạc đồng quê và là cư dân Texas, đã biểu diễn các ca khúc nổi tiếng của mình như “On the Road Again”. Diễn viên Jessica Alba cũng kêu gọi phụ nữ đi bỏ phiếu tại buổi vận động. Beyoncé xuất hiện cùng mẹ, bà Tina Knowles, và cựu thành viên ban nhạc Kelly Rowland.

“Chúng tôi đang cố giành giật lại bút từ tay những người muốn viết lên câu chuyện rằng nước Mỹ phủ nhận quyền quyết định của phụ nữ đối với chính cơ thể họ”, ca sĩ Rowland nói. “Điều đó có nghĩa (chúng ta) phải cầm bút và bỏ phiếu cho bà Kamala Harris”.

Một ngày trước đó, bà Harris đã tổ chức sự kiện vận động đầu tiên cùng cựu Tổng thống Barack Obama. Hai chính trị gia xuất hiện trên sân khấu tại Atlanta cùng rocker Bruce Springsteen, người đã biểu diễn 3 ca khúc và gọi ông Trump là “kẻ bạo chúa của nước Mỹ”. Vào ngày 27/10, bà Harris sẽ tiếp tục vận động cùng bà Michelle Obama ở Michigan.

Bà Harris vốn không mong đợi chiến thắng tại Texas. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đột nhiên tìm thấy hy vọng sau khi các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua vào thượng viện giữa thượng nghị sĩ đương nhiệm của đảng Cộng hòa Ted Cruz và ứng viên đảng Dân chủ Colin Allred từ khu vực Dallas, bất ngờ trở nên sít sao.

Đảng Dân chủ đang phải đối mặt thách thức lớn khi giành ghế ở thượng viện trong kỳ bầu cử này. Với khả năng thất bại gần như chắc chắn ở West Virginia và Montana đang dần vuột khỏi tầm với, hy vọng duy trì quyền kiểm soát sít sao tại thượng viện có thể phụ thuộc vào một cuộc lật đổ tại bang Lone Star.

“Mọi thứ đều đang lớn dần nhưng ông Ted Cruz lại quá nhỏ bé so với Texas”, ông Allred nói.

“Tôi gần chết mới được quyền phá thai"

Tâm điểm của buổi vận động hôm 25/10 là những câu chuyện của phụ nữ Texas, những người đã suýt chết vì các biến chứng liên quan đến thai kỳ do không nhận được sự chăm sóc thích hợp.

Ondrea, một phụ nữ Texas xuất hiện trong chiến dịch của bà Harris, đã xúc động khi chia sẻ trải nghiệm kinh hoàng của cô sau khi bị sảy thai ở tuần thứ 16 và cần phá thai khẩn cấp nhưng lại bị từ chối do luật pháp của bang.

Một đoạn video phát trong buổi vận động cho thấy hình ảnh Ondrea với những vết thương, vết sẹo kéo dài từ ngực xuống đến xương chậu sau cuộc phẫu thuật kéo dài 6 giờ, trong đó các bác sĩ phải rạch bụng để cứu sống cô.

bau cu tong thong my anh 2

Đám đông ủng hộ trong buổi vận động tối 25/10 tại Texas. Ảnh: New York Times.

Amanda và Josh Zurawski, cư dân Texas và là những người ủng hộ mạnh mẽ cho bà Harris, cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình. Khi mang thai ở tuần thứ 18, Amanda Zurawski gặp phải biến chứng và cần phá thai. Không có cơ hội cho thai nhi sống sót, nhưng các bác sĩ từ chối chấm dứt thai kỳ cho đến khi cô bị nhiễm trùng máu vài ngày sau đó.

“Tôi phải gần chết mới được quyền chăm sóc y tế ở Texas”, Amanda Zurawski nói.

Todd Ivey, một chuyên gia về sức khỏe sinh sản ở Houston, cũng đã phát biểu trước đám đông với sự hiện diện của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế mặc áo blouse trắng. Ông nhấn mạnh những thách thức trong việc chăm sóc bệnh nhân khi phải đối mặt với nguy cơ vi phạm luật pháp của bang. Kể từ khi luật của Texas có hiệu lực, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại bang này đã tăng lên.

“Đây là một cuộc khủng hoảng y tế. Điều này thật tàn nhẫn và không thể chấp nhận được", ông nói.

Trong số những người tham dự có Sara Gonzales, 32 tuổi, đến từ Splendora (Texas). Cô đã lái xe đến sân vận động ngay sau ca làm vào sáng sớm tại Starbucks. Gonzales cho biết cô từng coi bản thân là cử tri độc lập, song mọi thứ đã thay đổi khi Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết Roe v. Wade về quyền phá thai và Texas ban hành lệnh cấm phá thai gần như hoàn toàn.

“Làm một phụ nữ ở Texas giờ đây thật sự không ổn. Tôi cần có quyền tự do đối với cơ thể của mình”, cô nói.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Vấn đề định đoạt cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

Dù hiếm khi được bà Kamala Harris hay ông Donald Trump đề cập trực tiếp, cuộc bầu cử năm nay dường như đã trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về vai trò của phụ nữ trong đời sống Mỹ.

Thế 'song mã' của cuộc đua Trump-Harris

Cuộc khảo sát gần nhất trước ngày bầu cử do New York Times và Đại học Siena thực hiện cho thấy ông Donald Trump và bà Kamala Harris có cùng 48% tỷ lệ ủng hộ từ cử tri.

Gia Hân

Bạn có thể quan tâm