Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Cứ điểm' công nghiệp giúp kinh tế địa phương cất cánh

Các tập đoàn công nghiệp, cụm công nghiệp cơ khí lớn đặt cứ điểm tại một khu vực đã góp phần thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương.

quang nam cum cong nghiep anh 1

Năm 2000, sau 7 năm tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Quảng Nam ghi nhận số thu ngân sách toàn tỉnh đạt khoảng 300 tỷ đồng, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi đó chỉ bằng 1% so với TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đến năm 2005, chỉ 2 năm sau khi Khu kinh tế mở Chu Lai Quảng Nam được đầu tư, cùng với sự tham gia của Tập đoàn Thaco, lần đầu tiên số thu ngân sách tỉnh Quảng Nam đã vượt mốc 1.540 tỷ đồng.

Kinh tế địa phương cất cánh

Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển của Thaco và các doanh nghiệp công nghiệp, cơ khí trên địa bàn, số thu ngân sách toàn tỉnh đã liên tục gia tăng, lần lượt đạt gần 5.000 tỷ đồng vào năm 2010, rồi vượt chục nghìn tỷ đồng năm 2015 (14.870 tỷ đồng). Trong năm 2023, tổng thu ngân sách toàn tỉnh Quảng Nam ước đạt 21.445 tỷ đồng, vượt gần 3% so với dự toán.

Sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai với nòng cốt là Khu công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải được đánh giá là cú hích quyết định cho sự bứt phá kinh tế Quảng Nam. Trong nhiều năm, cụm khu công nghiệp, cơ khí này đóng góp trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách toàn tỉnh.

Không chỉ là động lực tăng trưởng quan trọng cho địa phương, cụm cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải còn là bệ đỡ để địa phương này thu hút, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ khác.

Những năm qua, cùng với ôtô, nhiều sản phẩm công nghiệp khác như bia, nước giải khát, thủy điện... cũng đã phát triển mạnh mẽ tại Quảng Nam, giúp địa phương này thường xuyên nằm trong nhóm tự cân đối thu - chi và có điều tiết ngân sách về trung ương.

Thực tế, Quảng Nam không phải địa phương duy nhất bứt phá từ một tỉnh nông nghiệp phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, sang tỉnh công nghiệp, dịch vụ và có điều tiết ngân sách về trung ương nhờ việc trở thành “căn cứ địa” của các tập đoàn công nghiệp, cơ khí lớn.

quang nam cum cong nghiep anh 3

Nhà máy Samsung tại Thái Nguyên.

Trước khi Samsung lựa chọn Thái Nguyên làm cứ điểm xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới (năm 2013), tỉnh này chủ yếu được biết tới với ngành công nghiệp sản xuất, chế biến khoáng sản và các vật liệu xây dựng, phát triển canh tác, xuất khẩu chè. Tổng thu ngân sách năm 2010 toàn tỉnh vào khoảng 2.700 tỷ đồng.

Đến năm 2015, hai năm sau khi Samsung đặt nhà máy thì số thu ngân sách toàn tỉnh này đã đạt trên 7.400 tỷ đồng. Năm 2023, con số này đạt gần 20.200 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm trước và vượt dự toán, xếp thứ 16/63 địa phương và trở thành một trong 18 tỉnh, thành tự cân đối thu - chi, có dư đóng góp vào ngân sách trung ương.

Tương tự, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... đều ghi nhận phát triển với mô hình tương tự là xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm, trở thành “căn cứ địa” cho các tập đoàn công nghiệp, cơ khí lớn, từ đó thu hút nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Không chỉ đóng vai trò thu hút doanh nghiệp trong nước, việc trở thành cứ điểm của các tập đoàn công nghiệp, cơ khí lớn đã giúp các địa phương này hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối năm 2023, tổng số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại tỉnh Quảng Nam là 193 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD, xếp thứ 19/63 địa phương.

Năm 2010, tổng vốn FDI lũy kế tại Thái Nguyên chỉ đạt 113,3 triệu USD, xếp thứ 45/63 địa phương. Đến cuối năm 2023, Thái Nguyên đã xếp thứ 13 trong danh sách này với số vốn FDI đăng ký lũy kế hơn 10,9 tỷ USD tại 231 dự án.

Cần chính sách từ Chính phủ và địa phương

Xác định được sự phát triển của các tập đoàn công nghiệp, cơ khí đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương. Mới đây, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024. Trong đó, đặt ra mục tiêu quy hoạch, định hướng công nghiệp vào đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, công nghiệp xanh ít sử dụng lao động.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp ôtô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại. Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của cơ khí theo hướng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới mà trong đó Thaco là hạt nhân đóng vai trò dẫn dắt, hình thành chuỗi liên kết, từ đó trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

quang nam cum cong nghiep anh 8

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp ôtô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại. Ảnh: Việt Linh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp hơn nữa, cũng như thu hút vốn đầu tư mới, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tại các buổi làm việc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ Khí Việt Nam (VAMI) cho biết các doanh nghiệp, cụm công nghiệp cơ khí lớn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và thu hút đầu tư tại các địa phương.

quang nam cum cong nghiep anh 9

Các doanh nghiệp công nghiệp, cơ khí cần nhiều chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương để hỗ trợ phát triển.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp, cơ khí được dự báo đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong thời gian tới. Trong khi dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển ngành không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp, cơ khí cần nhiều chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó chủ tịch VAMI, đề xuất từ phía Nhà nước, cần xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có lộ trình đến năm 2035; xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp cơ khí hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn...

Ông Lê Văn Tuấn, Phó chủ tịch VAMI, đề xuất từ phía Nhà nước, cần xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có lộ trình đến năm 2035.

Với địa phương, lãnh đạo VAMI đề xuất xem xét miễn giảm tiền thuê đất có lộ trình đối với các cơ sở chế tạo, như miễn tiền thuê đất trong vòng 10 năm đầu với các cơ sở mới, giảm một phần tiền thuê đất với các cơ sở chế tạo đã được thiết lập đang hoạt động...

Lãnh đạo VAMI cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách nội địa hóa sản phẩm mà trong nước có nhu cầu lớn trong thời gian tới như điện gió, điện khí, giao thông đường sắt, nhà ga hàng không, cảng biển, máy nông nghiệp... Đề xuất lộ trình nội địa hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, trên cơ sở đó giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, làm chủ thị trường nội địa, tạo đà cho xuất khẩu.

Phạm Mỹ

Bạn có thể quan tâm