Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cư dân Mexico: 'Chúng tôi không thể cầm cự được nữa'

Gần 2/3 số thành phố của đất nước Mexico đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, giữa lúc quốc gia này vật lộn với đợt hạn hán tàn khốc.

Phần lớn Mexico đang cạn kiệt nước.

Hạn hán nghiêm trọng đã khiến các vòi nước trên khắp Mexico gần như cạn kiệt. Tình trạng này khiến người dân ở một số nơi phải xếp hàng trong nhiều giờ để được chính phủ cung cấp nước.

Tình trạng thiếu nước đã trở nên nghiêm trọng đến mức một số người dân chặn đường cao tốc và bắt cóc công nhân thành phố để yêu cầu thêm nguồn cung.

Khủng hoảng trầm trọng

Theo Ủy ban Nước Quốc gia Mexico, trong tháng 7, 8 trong số 32 bang của nước này đã trải qua hạn hán từ nghiêm trọng đến trung bình. Điều này khiến 62% trong số 2.463 thành phố phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.

Theo các quan chức, cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng ở Monterrey, một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Mexico. Một số khu vực lân cận ở Monterrey đã không có nước trong 75 ngày, khiến nhiều trường học phải đóng cửa trước kỳ nghỉ hè dự kiến.

Thùng đựng nước cũng khan hiếm tại các cửa hàng địa phương hoặc được bán với giá cao ngất ngưởng. Cư dân của Monterrey cố gắng tìm kiếm vật dụng để đựng số nước được xe tải chính phủ chở đến những khu vực khô hạn nhất.

han han o Mexico anh 1

Mực nước dưới đập Rodrigo Gómez ở Santiago (Mexico) đã xuống thấp đến mức người dân có thể đi bộ. Ảnh: New York Times.

Một số người dân phải làm sạch các thùng rác để chở nước về nhà, trong khi nhiều trẻ em có khi phải chật vật mang vác thùng nước nặng hơn 200 kg.

Các khu dân cư nghèo của Monterrey chịu tác động nặng nề nhất, nhưng cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến mọi người, kể cả những người giàu có.

Gia đình của Claudia Muñiz, 38 tuổi, đã thường xuyên không có nước trong vòng một tuần. “Ở đây bạn phải săn đuổi nguồn nước”, cô Muñiz cho hay.

“Trong khoảnh khắc tuyệt vọng, mọi người đã bùng nổ”, cô nói, đề cập đến tình trạng bạo lực trong cuộc chiến tìm nước.

Monterrey nằm ở phía bắc Mexico, khu vực khô cằn nhất của nước này, nơi đã chứng kiến ​​dân số tăng trong những năm gần đây khi nền kinh tế bùng nổ. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu lại tiếp tục làm giảm lượng mưa ít ỏi của khu vực.

Cư dân của Monterrey giờ đây có thể đi bộ trên đáy hồ chứa được tạo ra bởi đập Cerro Prieto. Nơi đây từng là một trong những nguồn nước lớn nhất của thành phố.

Giờ đây, Cerro Prieto trở nên nổi tiếng nhờ những đồng xu dưới đáy hồ. Người dân sử dụng máy dò kim loại để thu thập những đồng xu do du khách ném xuống khi ước nguyện.

Theo giới chức địa phương, cùng với hồ chứa Cerro Prieto, đợt hạn hán kéo dài 7 năm cũng đã làm cạn kiệt nước dọc theo hai con đập khác, vốn cung cấp phần lớn nguồn nước cho Monterrey.

“Vào tháng 3, trời không mưa một giọt nào trong toàn bộ tiểu bang”, Juan Ignacio Barragán Villarreal, giám đốc cơ quan quản lý nước của Monterrey cho biết, đồng thời nói thêm rằng đây là tháng 3 không mưa đầu tiên kể từ năm 1960.

Chính phủ Mexico hiện phân phối tổng cộng 9 triệu lít nước hàng ngày cho 400 khu vực lân cận.

Hàng ngày, những chiếc “pipet”, xe tải lớn chứa đầy nước, chạy khắp Monterrey và các vùng ngoại ô để đáp ứng nhu cầu của những khu vực khô cằn nhất. Đây thường là những khu định cư bất hợp pháp và là nơi sinh sống của những người dân nghèo nhất.

Bắt nhân viên cấp nước làm con tin

Tình trạng thiếu nước của Monterrey trở nên trầm trọng đến mức vòi nước bắt đầu cạn vào tháng một. Alejandro Casas, một tài xế xe tải chở nước, hiện thực hiện tới 10 chuyến mỗi ngày để vận chuyển nước cho nhiều khu vực khác nhau.

Khi ông Casas đến nơi, một hàng dài người đã chờ đợi khắp các con đường lân cận. Một số gia đình mang theo thùng có thể chứa 200 lít nước và đợi dưới cái nắng suốt buổi chiều. Cuối cùng, họ nhận được nước vào lúc nửa đêm.

Lượng nước ông giao tới có thể là tất cả những gì mà một gia đình nhận được trong một tuần.

Các cuộc ẩu đả đã nổ ra, khi cư dân những nơi khác cố lẻn đến lấy nước, thay vì đợi xe tải đến khu phố của họ vài ngày sau đó. Người dân được phép mang về nhà lượng nước nhiều nhất họ có thể chứa được.

han han o Mexico anh 2

Người dân chờ đợi đến đêm để nhận nước uống ở Monterrey. Ảnh: New York Times.

Vào tháng 5, xe tải của ông Casas đã bị một số thanh niên xông vào ghế phụ và đe dọa khi ông đang giao nước cho khu phố San Ángel.

“Họ nói với tôi với giọng điệu đầy hăm dọa”, ông Casas nói và giải thích rằng họ yêu cầu ông lái xe tải đến phát nước cho khu phố của họ. “Họ nói rằng nếu chúng tôi không đến nơi họ muốn, họ sẽ bắt cóc chúng tôi”.

Sau đó, ông Casas đã đi đến khu phố đó, cung cấp nước cho cư dân và được trả tự do.

Edgar Ruiz, một tài xế xe tải chở nước khác, cũng đã chứng kiến cuộc khủng hoảng này trở nên tồi tệ hơn.

Lúc này, ông thấy sợ hãi khi làm việc. Cư dân từng cảm kích khi thấy xe chở nước của ông vào khu phố của họ, nhưng giờ đây, họ giận dữ khi chính phủ không thể khắc phục tình trạng thiếu nước.

“Họ ném đá một xe chở nước”, ông nói.

María De Los Ángeles, 45 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Ciénega de Flores, một thị trấn gần Monterrey. Bà nói rằng cuộc khủng hoảng nước đang khiến gia đình và công việc kinh doanh của bà phải chật vật.

“Tôi chưa bao giờ trải qua cuộc khủng hoảng như thế này”, bà nói. Bà cho biết cuộc khủng hoảng đang đẩy bà vào bước đường phá sản. Vườn ươm - nguồn sinh kế duy nhất của gia đình - lại đang thiếu nước.

Bà cho biết phải mua nước từ một nhà cung cấp tư nhân, với chi phí khoảng 60 USD/tuần, tương đương khoảng một nửa thu nhập hàng tuần. “Chúng tôi không thể cầm cự được nữa”, bà De Los Ángeles nói.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ như bà De Los Ángeles thất vọng vì họ phải tự chống đỡ, trong khi các ngành công nghiệp lớn của Monterrey phần lớn có thể hoạt động bình thường. Chính quyền liên bang đã cho phép họ quyền tiếp cận đặc biệt với các tầng ngầm nước của thành phố.

Chính quyền cũng đang phải vật lộn ứng phó với cuộc khủng hoảng. Theo ông Barragán, chính quyền đã chi khoảng 82 triệu USD để thuê thêm xe tải phân phối nước, trả thêm tiền cho tài xế và đào thêm giếng.

Samuel García, Thống đốc bang Nuevo León, gần đây đã kêu gọi thế giới cùng hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vì nó nằm ngoài khả năng của bất kỳ chính phủ đơn lẻ nào.

“Cuộc khủng hoảng khí hậu đã ập đến với chúng ta. Ngày nay, chúng ta phải quan tâm đến môi trường, đó là vấn đề giữa sự sống hay cái chết”, ông thông tin trên Twitter.

Bài liên quan

Sri Lanka khánh kiệt sau một quyết sách sai trái

Sri Lanka khánh kiệt sau một quyết sách sai trái

Lệnh cấm nhập khẩu và sử dụng phân bón hóa học đột ngột của chính phủ Sri Lanka là một trong những nguyên nhân đẩy đất nước vào tình cảnh mùa màng thất bát và thiếu lương thực.

Vân Đinh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm