Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cụ bà hơn 80 tuổi dạy ta cách 'dọn dẹp cuộc đời' trước khi chết

Với tên nguyên bản được hiểu là “nghệ thuật dọn dẹp trước khi chết của người Thụy Điển” - quyển sách nhỏ này thực ra không phải viết về cái chết.

Đó là một câu chuyện về cuộc đời, với tất cả những kỷ niệm tuyệt vời và đáng yêu của nó.

Đã có nhiều quyển sách viết về lối sống tối giản, nhất là từ Nhật và Bắc Âu, nơi nổi tiếng với cách sống thuần hòa với thiên nhiên. Và đây là một quyển sách best-seller bất ngờ trên thị trường quốc tế của một bà lão người Thụy Điển “đâu đó giữa ngưỡng tuổi 80 và 100” về cách tổ chức cuộc sống và cách vứt bỏ đồ đạc của bạn trước khi bạn thăng thiên, để tránh cho các thành viên gia đình bạn một nhiệm vụ không dễ chịu. Margareta Magnusson đã phải dọn dẹp cho ba người như vậy, mẹ, mẹ chồng và người chồng 48 năm của mình.

Magnuson,  Song thanh than nhu nguoi Thuy Dien,  nghe thuat don dep, anh 1
Tác giả cuốn best-seller này là một bà lão Thụy Điển trên 80 tuổi.

Trong quyển sách có tên tiếng Việt là Sống thanh thản như người Thụy Điển (NXB Tổng hợp TP. HCM, Trần Hoàng Sơn dịch), Magnuson - vốn là một họa sĩ - rất thẳng thắn rằng cuối cùng tất cả chúng ta đều sẽ chết, và bất cứ điều gì bạn tích lũy nhặt nhạnh đều sẽ không đi cùng bạn.

Vì vậy, sắp xếp đồ đạc của bạn trật tự, tối giản là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho những người thân yêu của bạn, những người sẽ phải tiếp tục bước đi mà không có bạn. Và trước hết, bạn “buông” như vậy để sống có trách nhiệm và thanh thản cho chính bản thân mình.

Ở Thụy Điển có một thuật ngữ là döstädning, trong đó “” có nghĩa là chết và “städning” là dọn dẹp. Như mọi người dân Bắc Âu giản dị, bên cạnh việc trích dẫn ABBA hay Leonard Cohen du dương, tác giả luôn thẳng thắn khi cần thiết. Hãy cứ dùng dương vật giả nếu bạn thích, dù bạn đã 80 hoặc hơn, nhưng chỉ cần lưu một cái, thay vì bộ sưu tập 15 chiếc, bởi vì có thể nó sẽ gây một cú sốc nhỏ cho con cháu khi bạn ra đi!

Hoặc là, hãy mặc một chiếc tạp dề có túi to trước bụng khi dọn nhà. Nếu vật nào để sai chỗ, cho vào túi: lược trong bếp, chùm chìa khóa trên giường... Cuối buổi dọn, cho các thành viên trong gia đình xem và đề nghị họ để lại đúng chỗ các món đồ trong túi đó. Lúc đầu, kết quả thật kinh khủng, mấy cái túi như vậy cũng không đủ! Nhưng rồi mọi sự sẽ thay đổi rất nhanh. Và như cuộc đời, có khi chỉ một thay đổi nhỏ cũng mang lại hiệu quả tuyệt vời. Nếu gặp phải một vấn đề hết lần này đến lần khác, hãy giải quyết nó!

Hoặc chúng ta có thể cho đi một cách chân thành: tặng cho các con cháu, các tổ chức từ thiện… Chứa trong việc trao đi những gì mình đang có là sự sẻ chia thương yêu một cách tinh tế và thầm lặng.

Đọc quyển sách ngắn này đôi khi có cảm giác đang nghe một bà già thông thái kể cho bạn nghe về cuộc sống của bà một cách thong thả và đầy trải nghiệm, nói ít hiểu nhiều.

Việc xa rời với những món đồ nhiều kỷ niệm thật là khó khăn, nhất là khi bạn độc thân không con cháu, nhưng hãy tưởng tượng một gia đình trẻ được tặng một cái bàn cũ của bạn, và bạn kể cho họ nghe về những sự kiện đã diễn ra quanh chiếc bàn này. Ai đã ngồi đây hơn trăm năm trước? Viết cái gì? Cho ai? Thư tình? Hợp đồng? Hay lời thú tội? Một chiếc bàn bình thường sẽ thành phi thường theo thời gian. Và lại còn tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Như đánh giá của Tạp chí Time, Margareta Magnusson đã mang đến một phương pháp thú vị giúp các gia đình suy nghĩ về những vấn đề tưởng chừng nhạy cảm và khó nói. Có thể một số tập quán ở một số quốc gia sẽ có khác nhau, chẳng hạn một đứa con Việt Nam (hay Trung Quốc) thấy rất bổ ích khi tặng quyển sách này cho người mẹ 70 tuổi của mình, nhưng cũng có chút lo rằng bà mẹ già sẽ cảm thấy hơi bị xúc phạm…

Nhưng rõ ràng phương Đông cũng có câu “Tri túc thường lạc” - biết đủ thì vui mãi. Nếu chính mình bắt tay vào xử lý những thứ thuộc về bản thân, chọn lọc và buông bỏ được những thứ không thực sự cần thiết, con người chắc hẳn sẽ thanh lọc được chính lòng mình, cảm nhận được sự quý giá của những điều mình đang có, thấy mình là một mắt xích trong sự cân bằng giữa xã hội và môi sinh.

Lê Thượng Nhã

Bạn có thể quan tâm