Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CSGT nói về lo ngại ăn trái cây, uống thuốc bị xử phạt nồng độ cồn

Lãnh đạo CSGT cho biết các tổ công tác kiểm tra người vi phạm theo hai bước định tính và định lượng. Do đó, không có chuyện xử lý sai trường hợp không có nồng độ cồn.

Tại hội nghị bảo đảm trật tự an toàn giao thông 2023, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, giải đáp băn khoăn của tài xế về ngưỡng xử lý đối với vi phạm nồng độ cồn.

Theo ông Đức, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã đánh trúng vào nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tai nạn. Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, vi phạm này cũng gián tiếp dẫn đến các hành vi như chạy quá tốc độ, tránh vượt, dừng đỗ… đồng thời kéo theo nhiều hành vi phạm pháp khác. Minh chứng rõ nhất là tai nạn giao thông trong thời gian cao điểm xử lý vi phạm đã giảm sâu cả 3 tiêu chí.

vi pham nong do con anh 1

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT trả lời băn khoăn về xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Hồng Quang.

Trong quá trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100, Nghị định 123… cơ quan chức năng của Bộ Công an đã phối hợp nghiên cứu cùng cơ quan chuyên môn của Chính phủ, Bộ Y tế. Do đó, Nghị định 100 hiện nay đã xác rõ các ngưỡng xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn trên cơ sở đảm bảo an toàn, khoa học.

Ngoài ra, ông Đức cũng cho biết hiện nay có việc các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế lấy căn cứ xác định nồng độ cồn bằng xét nghiệm máu. Trong khi đó, từ khi sinh ra và trong quá trình sinh hoạt, trao đổi chất, cơ thể con người luôn có lượng men nhất định, đây là điều bình thường. Bộ Công an cũng đã có sự trao đổi với Bộ Y tế về vấn đề này.

Trong khi đó, lực lượng CSGT trong quá trình xử lý vi phạm sẽ đo nồng độ cồn qua hơi thở gồm 2 chế độ. Đầu tiên là chế độ định tính (xác định có cồn hay không), sau đó CSGT mới đo định lượng để xác định hàm lượng làm căn cứ xử phạt. Do đó vị này khẳng định không có chuyện CSGT xử lý sai những trường hợp không có nồng độ cồn.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đã có nhiều thử nghiệm, kết quả cho thấy việc ăn hoa quả, siro, không ghi nhận nồng độ cồn có trong hơi thở.

Theo thiếu tướng Lê Xuân Đức, quá trình xử lý vi phạm, lực lượng CSGT thực hiện theo kinh nghiệm quốc tế. Trước khi tuần tra, cảnh sát đã điều tra cơ bản về khu vực có nhiều tuyến đường tập trung nhà hàng, quán ăn để bố trí lực lượng. Bên cạnh đó, các tổ kiểm soát cũng thường xuyên thay đổi địa bàn tránh việc người vi phạm né tránh chốt.

Trước phản ánh của Zing về ý kiến chuyên gia cho rằng cần tăng mức xử lý vi phạm đối với trường hợp có nồng độ cồn vượt quá mức kịch khung nhiều lần, thiếu tướng Đức cho biết CSGT sẽ tiếp thu ý kiến để tham mưu cơ quan chức năng trong quá trình chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật. “Đây là ý kiến xác đáng bởi ở nhiều quốc gia, việc vi phạm nồng độ cồn tuỳ trường hợp còn có thể bị xử lý hình sự”, ông nói.

Trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông 15/11/2022- 5/2/2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 660.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1.200 tỷ đồng.

Riêng với hành vi vi phạm nồng độ cồn, CSGT đã xử lý 117.381 trường hợp (chiếm 18,11% tổng số vi phạm), phạt tiền hơn 543 tỷ đồng. Chỉ tính trong đợt nghỉ Tết Quý Mão 2023, vi phạm nồng độ cồn chiếm 35% tổng số vi phạm, tăng 598% so với thời gian Tết Nhâm Dần 2022.

Vi phạm nồng độ cồn ngày Tết, tài xế lớn tiếng với cảnh sát

Nam tài xế ở Hà Nội liên tục lớn tiếng với lực lượng làm việc tại chốt 141 trước khi chấp nhận đo nồng độ cồn.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm