Liên quan đến vụ CSGT chặn bắt rồi dùng súng AK chọc thủng kính xe thể thao Chevrolet Camaro gắn biển 14A-011.02, Công an TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cho biết ôtô đã hết hạn kiểm định từ tháng 7.
Trước khi chặn bắt, lực lượng chức năng phát hiện ôtô này vượt quá tốc độ quy định.
Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư Hà Nội), Điều 16 Nghị định số 46/2016 của Chính phủ quy định người điều khiển ôtô hết hạn kiểm định quá một tháng sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng, tước bằng lái từ 1-3 tháng.
Ngoài ra, với lỗi chạy quá tốc độ quy định khi tham giao thông, tài xế sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 8 triệu đồng và tước bằng lái 2 tháng, tùy vào chỉ số tốc độ vượt quá.
Trước ý kiến thắc mắc khi nào CSGT được dùng súng chặn bắt phương tiện, luật sư Giáp khẳng định cảnh sát đang thi hành công vụ được phép nổ súng trong trường hợp theo quy định tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, và công cụ hỗ trợ năm 2017.
CSGT cầm AK chọc thủng kính xe Camaro. Ảnh cắt từ clip. |
Tuy nhiên, trước khi nổ súng CSGT phải có cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên. Quy định này áp dụng với người đang có hành vi đe dọa tính mạng, sức khỏe của người xung quanh.
Việc cảnh báo trước khi nổ súng cũng được áp dụng khi CSGT gặp tội phạm truy nã, bị can hoặc người đang bị dẫn giải do phạm tội theo quy định.
Còn đối với xe đang lưu thông (trừ xe ngoại giao), CSGT được phép nổ súng vào phương tiện mà không cần cảnh báo khi tài xế đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.
Đối với tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ; CSGT hoàn toàn có quyền nổ súng không cần cảnh báo.
Ngoài ra, với tội phạm tàng trữ hàng cấm khác hoặc người đang thực hiện hành vi phạm tội, CSGT cũng có thể nổ súng mà không cần cảnh báo.
Loại súng bắn đạn cao su được trang bị cho CSGT. Ảnh: Hồng Đăng. |
Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, và công cụ hỗ trợ cũng đề ra nguyên tắc nổ súng. Theo đó, CSGT chỉ dùng vũ khí quân dụng để ngăn chặn người vi phạm bất tuân hiệu lệnh khi không còn biện pháp nào khác.
Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối phương là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác
Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.