Trước câu hỏi về việc Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) có quy định trang bị tàu thuyền, máy bay cho lực lượng này, ngày 5/7, trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết việc trang bị tàu bay cho CSCĐ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
CSCĐ được phép sử dụng tàu bay để giải quyết các tình huống khẩn cấp trong cứu nạn, cứu hộ, thiên tai địch họa, tai nạn đổ sập công trình...
Ngoài ra, CSCĐ cũng được sử dụng tàu bay để tuần tra, trinh sát, cơ động chuyển quân chiến đấu, vận chuyển trang thiết bị vũ khí, nhu yếu phẩm cần thiết.
Trung đoàn Không quân Công an Nhân dân được thành lập và ra mắt từ tháng 10/2021. Ảnh: Việt Linh. |
Hiện nay, Bộ Công an đã thành lập Trung đoàn Không quân Công an nhân dân. Đây được coi là bước đầu để xây dựng lực lượng hàng không chuyên dụng cho CSCĐ.
“Chúng tôi đã triển khai về mặt tổ chức và báo cáo các cấp có thẩm quyền để mua sắm các loại phương tiện bay phục vụ cho CSCĐ. Tuy nhiên, không phải ngày một ngày hai mà hoàn thiện mà cần có thời gian”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nói và cho biết ngoài loại tàu bay, trực thăng chuyên dụng, lực lượng cũng đang nghiên cứu để phát triển tàu bay không người lái, tàu lượn, khinh khí cầu… phục vụ đa dạng các nhiệm vụ của CSCĐ.
Trả lời thêm về nội dung: "Trường hợp nào cảnh sát cơ động được dừng xe của người dân, người đi đường?", Thứ trưởng Bộ Công an cho biết theo quy định của nhiều văn bản luật, các lực lượng công an khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì được dừng xe để xử lý.
"Việc này được phân cấp khác nhau, khi phát hiện có dấu hiệu có vi phạm hành chính hoặc hình sự thì lực lượng cảnh sát được quyền dừng xe để kiểm tra, xử lý. Thực tế, có rất nhiều tình huống khác nhau", trung tướng Lê Quốc Hùng nói thêm.