Theo Guardian, nghiên cứu trên cho rằng sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc đã khiến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh, từ đó khiến cho con người phải tìm kiếm các nguồn đạm thay thế và tăng khả năng tiếp xúc với virus gây dịch Covid-19.
Vào năm 2018, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên bùng phát tại Trung Quốc. Căn bệnh này không thể chữa khỏi, và cách duy nhất để kiểm soát dịch là giết toàn bộ động vật đã nhiễm bệnh để không cho dịch lây lan. Đến quý IV năm 2019, dịch tả lợn đã lây rộng khắp Trung Quốc.
Sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi có thể là tiền đề cho việc virus SARS-CoV-2 lây sang con người. Ảnh: Reuters. |
Điều này khiến cho nguồn cung thịt lợn - vốn là nguồn đạm chính trong bữa ăn của người Trung Quốc - giảm mạnh.
Việc nguồn cung thịt lợn giảm, cùng với việc tiêu hủy và hạn chế vận chuyển, đã đẩy giá lợn tăng lên, từ đó khiến cho người Trung Quốc phải tăng cường tìm kiếm và sử dụng các nguồn thịt thay thế, trong đó có cả thịt động vật hoang dã.
Thịt của những loài động vật hoang dã thường chứa các loại virus nguy hiểm, trong đó có virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Việc sử dụng nguồn thịt này sẽ tăng nguy cơ tiếp xúc với virus và tạo tiền đề cho các virus trên lây nhiễm từ động vật sang con người, nghiên cứu trên cho biết.
"Việc các loài động vật hoang dã được đưa vào chuỗi thức ăn của người sẽ làm tăng cơ hội tiếp xúc của các loại virus nguy hiểm với con người, từ đó làm tăng nguy cơ virus SARS-CoV-2 lây sang người", David Robertson, giáo sư tại Đại học Glasgow và tác giả của nghiên cứu trên, bình luận.
Giáo sư Robertson nhấn mạnh rằng mối liên hệ giữa dịch cúm lợn và dịch Covid-19 chỉ là giả thuyết của ông và cộng sự, song tin rằng đây hoàn toàn có thể là một lời giải thích thỏa đáng cho nguồn gốc của đại dịch Covid-19.