Các quốc gia bộ lạc (tribal nation) trên khắp nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Họ phải chật vật đối phó với đại dịch và ảnh hưởng kinh tế từ sự đóng cửa kéo dài của gần 500 sòng bạc của bộ lạc.
Xứ Navajo, khu bản địa lớn nhất nước Mỹ, hiện có tỷ lệ tử vong cao bậc nhất nước Mỹ, ngoại trừ New York, New Jersey, Connecticut và Massachusetts.
Sòng bạc & khách sạn Emerald Queen của người Mỹ bản địa ở Tacoma, Washington. Ảnh: AP. |
Trên khắp những khu vực người Mỹ bản địa sinh sống, từ Arizona đến Minnesota, hơn 5.200 ca nhiễm đã được xác nhận. Số ca nhiễm này có vẻ nhỏ so với các trung tâm đô thị lớn như New York và Los Angeles, nhưng chúng cho thấy các ổ dịch nhỏ đang thách thức nguồn lực hạn chế của các phòng khám và bệnh viện nông thôn.
Hơn 700.000 người mất việc
Tại những khu bản địa ở Dakotas và Montana, các gia đình nhiều thế hệ buộc phải ở cùng nhau trong những ngôi nhà nhỏ không có nước sạch và không có Internet. Trên khu bản địa Wind River ở bang Utah, Bộ lạc Arapaho phải mở cửa sòng bạc để làm nơi cách ly.
Những mối nguy đến cùng lúc: hệ thống y tế yếu kém, nhiều người có bệnh nền và sự sụp đổ kinh tế bộ lạc. Giới lãnh đạo các bộ lạc người Mỹ bản địa phải cảnh báo rằng những tác động nghiêm trọng hơn còn ở phía trước. Tác động này còn nặng nề hơn nếu các bộ lạc không thể mở cửa sòng bạc để khôi phục kinh tế.
Khoảng hai phần ba nhân viên của bộ lạc đã nghỉ việc, ông Bryan Newland, chủ tịch hội đồng bộ lạc của cộng đồng người Mỹ bản địa Bay Mills ở Michigan, nói với New York Times.
Hơn 40% trong số 574 bộ lạc được liên bang công nhận ở Mỹ điều hành các sòng bạc. Do đó, việc đóng cửa các sòng bạc của bộ lạc, nguồn cung việc làm lớn nhất của bất kỳ thành phần kinh tế nào ở Mỹ trong những thập kỷ gần đây, đã làm mất đi nguồn thu nhiều quốc gia bộ lạc dùng để duy trì các dịch vụ cơ bản. Sau khi toàn bộ ngành công nghiệp bài bạc đóng cửa trong những ngày đầu cách ly xã hội, hơn 700.000 người đã nghỉ việc, theo công ty tư vấn Meister Economic.
Tại Michigan và Indiana, gần 1.500 công nhân đã bị sa thải tại các sòng bạc thuộc sở hữu của người bản địa Potawatomi. Ở Connecticut, các quốc gia bộ lạc Mashantucket Pequot và Mohegan tuyên bố tuần trước rằng họ đã sa thải phần lớn trong số gần 5.000 nhân viên.
Khoảng 70% nhân viên tại các sòng bạc của bộ lạc không phải người Mỹ bản địa. Điều này phản ánh tầm quan trọng về kinh tế của các sòng bạc ở nhiều vùng nông thôn nước Mỹ. Nhìn chung, các sòng bạc bộ lạc đã đóng góp 17,7 tỷ USD vào doanh thu thuế địa phương, tiểu bang và liên bang vào năm 2019.
Máy đánh bạc tại Sòng bạc & khách sạn Seminole Hard Rock ở thành phố Hollywood, Florida, vào ngày 20/3, ngày cuối cùng sòng bạc của bộ lạc ở Florida được mở cửa. Ảnh: AP. |
“Những gì bạn chứng kiến bây giờ là biểu hiện của vấn đề sâu xa hơn các quốc gia bộ lạc phải đối mặt trong một thập kỷ qua”, ông Fawn R. Sharp, chủ tịch Hội đồng Người da đỏ Mỹ nói với New York Times. “Sự thất bại trong việc tài trợ cho chúng tôi đã khiến chúng tôi rất dễ bị tổn thương”.
Mãi đến đầu thế kỷ 21, sòng bài bộ lạc mới bắt đầu ổn định, cung cấp cho các bộ lạc nguồn thu quan trọng.
Một số bộ lạc vẫn tiếp tục trả lương cho nhân viên bất chấp việc đóng cửa sòng bạc nhằm ngăn chặn tác động kinh tế. Nhưng sau khi chính quyền liên bang trì hoãn việc cung cấp khoản hỗ trợ kích thích kinh tế 8 tỷ USD, các khoản lỗ ngày một nhiều hơn.
Các lãnh đạo bộ lạc đã bày tỏ sự bực tức về sự chậm trễ tại thời điểm họ bị ảnh hưởng mạnh bởi virus corona.
Tại Michigan, việc đóng cửa sòng bạc của cộng đồng người bản địa ở vịnh Keweenaw đã gây thiệt hại khoảng 2 triệu USD hàng tháng. Điều này dẫn đến quỹ của cảnh sát và phòng khám phục vụ cho 3.600 thành viên bộ lạc cạn kiệt. Do đó, rất ít người được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và chính quyền phải hủy việc cấp bữa trưa hàng ngày cho người già trong bộ lạc.
Trong khi đó, các bộ lạc đang cố gắng lên kế hoạch cho những tuần đầy chông gai phía trước.
Ở Oklahoma, xứ Cherokee vẫn đang trả tiền cho nhân viên của mình và dự định mở lại một phần sòng bạc vào đầu tháng sáu.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa chắc chắn. “Nếu chúng tôi thấy sự gia tăng đột biến số ca nhiễm ở bang Oklahoma, kế hoạch của chúng tôi sẽ thay đổi đáng kể”, ông Brandon Scott, người đứng đầu bộ phận truyền thông cho bộ lạc nói.
Tình hình dịch ở xứ Navajo có sự gia tăng nhanh chóng với tỷ lệ 62 ca tử vong do virus corona trên 100.000 người. Ở New Mexico, bao gồm một phần của khu bản địa Navajo, người Mỹ bản địa chiếm 57% ca nhiễm tại bang này mặc dù họ chỉ chiếm khoảng 11% dân số.
Việc thiếu nhựng cơ sở hạ tầng cơ bản khiến mở cửa trở lại nền kinh tế các bộ lạc khó khăn hơn. Một vườn ươm doanh nghiệp ở Navajo, nơi cung cấp Internet, hội thảo về thuế và không gian làm việc cho hàng chục công ty khởi nghiệp nhỏ, bị buộc phải đóng cửa vào tháng 3. Giờ đây, việc thiếu hệ thống ống nước trong không gian làm việc chung của vườn ươm đặt ra thách thức lớn cho tương lai của nơi này.
“Dịch bệnh làm lộ ra kết quả của việc bị bỏ rơi trong nhiều năm”, Jessica Stago, giám đốc của vườn ươm Change Labs, nói với New York Times. “Mọi thứ bây giờ như đang sụp đổ”.
"Tôi thấy như vừa bị cướp"
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở một số khu bản địa đã tăng một cách thê thảm. Các nhà lãnh đạo bộ lạc lo ngại rằng nền kinh tế của họ sẽ là nơi cuối cùng ở Mỹ được phục hồi.
Ảnh hưởng kinh tế còn trở nên tồi tệ hơn khi người bản địa không thể làm ngay cả những công việc lặt vặt để trả hóa đơn hàng tháng. Bà Cedar Rose Bulltail kiếm sống bằng cách bán đồ trang sức thủ công tại các hội chợ nghệ thuật bản địa, nấu bánh mì chiên cho hàng xóm và làm cao cúc vạn diệp trong ngôi nhà không có hệ thống dẫn nước trong khu bản địa Crow.
Trong đại dịch, các lễ hội và chương trình thời trang, xương sống của nền kinh tế đã bị hủy bỏ. Con gái 18 tuổi của bà phải theo kịp chương trình học với kết nối Internet không ổn định. Bà Bulltail cũng cho biết hy vọng tiết kiệm đủ tiền trong mùa hè này để mua một máy bơm nước mới đã sụp đổ.
“Tôi cảm thấy như tôi vừa bị cướp vậy”, bà Bulltail chia sẻ.
Trong khi các bộ lạc đo đếm các ảnh hưởng kinh tế, một số lãnh đạo bộ lạc đã chống lại áp lực mở cửa từ liên bang và tiểu bang.
Sòng bạc North Edge ở Upper Fruitland, New Mexico trên xứ Navajo vẫn đóng cửa. Ảnh: AP. |
Các bộ lạc đã phớt lờ yêu cầu gỡ bỏ trạm kiểm soát dịch trên cao tốc bang của Thống đốc bang South Dakota Kristi Noem. Theo quy định tại trạm kiểm soát, người dân trong phần đất của bộ lạc này có thể đi tới các vùng khác của bang Nam Dakota không thuộc “điểm nóng” Covid-91 nhưng sẽ phải điền tờ khai y tế. Người dân Nam Dakota hoặc bên ngoài bang chỉ có thể vào khu của bộ lạc nếu có nhu cầu thiết yếu, và cũng phải điền tờ khai.
Động thái trên của thống đốc Noem đã gây ra tranh cãi dữ dội tại Mỹ.
“Chủ quyền của bộ lạc cần phải được tôn trọng nếu chúng tôi phục hồi nền kinh tế”, dân biểu Derrick Lente, một thành viên của bộ lạc Sandia Pueblo, nói về cuộc tranh cãi trên. “Không nên làm điều đó bằng cách thiếu tôn trọng các quốc gia bộ lạc đã tạo ra hàng nghìn việc làm”.