Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Covid-19 là một thảm họa với báo chí, trừ một số tờ

Ngành công nghiệp báo chí đã chịu cú đòn mạnh từ Covid-19 trong lúc đang thoi thóp, nhưng một số tờ báo vẫn có thể vạch ra lối đi cho tương lai.

bao chi anh 1

Trong 30 năm trở lại, ngành công nghiệp báo chí ở Mỹ đã đi xuống. Các tòa soạn ở Mỹ đã mất gần nửa số nhân viên từ năm 2008, theo thống kê tháng 4 của viện chính sách Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ). Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Covid-19 xuất hiện và không chỉ gói gọn trong nước Mỹ.

Từ tháng 3 tới tháng 6/2020, ít nhất 38.000 nhân viên ở các hãng tin Mỹ đã bị cắt giảm giờ làm, cắt lương, hoặc cho nghỉ việc, theo ước tính của Financial Times.

Ở châu Âu, sự hỗ trợ của nhà nước đã giúp chống đỡ đòn của Covid-19 nhưng những quyết định đau đớn chỉ là vấn đề thời gian. Nhóm nghiên cứu Enders Analysis ước tính sự suy giảm doanh thu sẽ đe dọa tới 30% số việc làm nhà báo của Anh.

Tại Ấn Độ, các tờ báo không thể in do lệnh phong tỏa, còn người phát báo thì bị xua đuổi do nỗi sợ virus. Doanh số bán báo giảm 1/3, AFP dẫn một số ước tính cho biết.

Bên cạnh số đông tờ báo phải đình bản, vẫn còn một số tòa soạn có thể trụ vững nhờ giảm phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo và tập trung vào người đăng ký trực tuyến, Dan Kennedy, giáo sư báo chí thuộc Đại học Northeastern (Mỹ), nhận định.

bao chi anh 2

Báo chí chưa bao giờ gặp khó khăn như trong đại dịch Covid-19. Ảnh: AP.

Tầm nhìn 20 năm của New York Times

Người ta có thể tìm kiếm một mô hình mới cho báo chí ở đâu khác ngoài New York Times - tờ báo đã chuyển đổi thành công từ một nhật báo in để sang chú trọng nền tảng số? Joshua Benton, giám đốc Quỹ Báo chí Nieman thuộc Đại học Harvard (Mỹ), đưa ra 4 cột mốc một tờ báo phải vượt qua nếu muốn thành công chuyển đổi hoàn toàn sang công ty trực tuyến:

- Doanh thu từ nguồn trực tuyến lớn hơn báo in;

- Doanh thu từ độc giả lớn hơn quảng cáo;

- Mức tăng nguồn thu trực tuyến phải lớn hơn mức giảm nguồn thu báo in;

- Số thuê bao trực tuyến nhiều hơn số thuê bao báo in.

New York Times là tờ báo Mỹ đầu tiên thỏa mãn đủ 4 điều kiện trên, theo ông Benton. Đây cũng là một trong số ít tờ báo “ăn nên làm ra” trong bối cảnh chi cho quảng cáo của doanh nghiệp giảm sút do Covid-19 và số còn lại đa phần rơi vào túi của Google và Facebook.

Đầu tháng 5, New York Times đưa ra báo cáo kinh doanh quý I năm 2021. Theo đó, đến thời điểm ấy, tờ báo có 7,8 triệu thuê bao đăng ký ở cả hai nền tảng báo in và điện tử. Trong đó, lượng đăng ký trực tuyến là 6,9 triệu người. Như vậy, New York Times vẫn trên lộ trình đạt 10 triệu lượt đăng ký tới năm 2025.

Tổng doanh thu của New York Times trong quý I năm 2021 tăng 6,6% và đạt 473 triệu USD, cao hơn mức dự kiến là 463,3 triệu USD, Reuters cho biết dựa trên dữ liệu IBES từ Refinitiv. Nếu loại trừ dao động ngắn hạn, New York Times ghi nhận lợi nhuận là 26 cent mỗi cổ phiếu, cao gần gấp đôi mức dự kiến là 14 cent.

Thành công của New York Times tới từ việc chuyển hướng tập trung vào mô hình kinh doanh đăng ký thuê bao (subscription business model) - mô hình độc giả trả phí mỗi tháng để tiếp cận toàn bộ nội dung và dịch vụ trên trang. Hạt giống thành công đã được New York Times gieo mầm từ năm 2011.

New York Times vẫn cho độc giả không trả phí đọc trước một số bài viết trước khi tường thu phí (paywall) xuất hiện.

bao chi anh 3

Trụ sở báo New York Times. Ảnh: Wikimedia Commons.

Bằng cách tập trung phát triển các sản phẩm số như ứng dụng tin tức, trò chơi, nấu ăn, và podcast, tờ báo New York Times đã có thêm lượng lớn thuê bao đăng ký trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 bùng nổ khiến nhiều người phải ở nhà, theo Reuters.

Để tìm kiếm thuê bao đăng ký mới, New York Times còn đang tập trung phát triển newsletter - bản tin thường được gửi định kỳ qua mail. Hiện, tờ báo này có hơn 70 bản tin độc giả có thể đăng ký theo dõi.

“Bản tin là một cách tuyệt vời để phát triển thuê bao đăng ký,” Adam Pasick, giám đốc biên tập newsletters của New York Times, nói.

Các bản tin hỗ trợ mô hình kinh doanh thuê bao đăng ký của New York Times bằng cách tạo cho độc giả thói quen đọc nội dung của báo mỗi ngày. Mục đích là dẫn dắt người đọc trả phí để tiếp cận nội dung đằng sau tường thu phí.

Ngoài ra, tòa soạn cũng có thể kiếm thêm tiền nhờ bán vị trí đặt quảng cáo trong bản tin.

Bên cạnh tìm kiếm lượt đăng ký mới, New York Times còn tập trung nuôi dưỡng thuê bao hiện có. Theo Digiday, New York Times có một nhóm khoảng 10 nhân viên tập trung vào độc giả mới đăng ký trong 90 ngày đầu tiên. Nhóm này sẽ gửi email về các bản tin và sản phẩm tin tức.

Giao diện của trang New York Times cũng có những tính năng chỉ độc giả mới đăng ký nhìn thấy, như ký hiệu đầu trang gợi ý về chuyên mục, tác giả, hoặc tin bài. New York Times cũng tổ chức sự kiện chỉ dành cho độc giả trả phí.

“Chúng tôi muốn họ cảm thấy mình như bước vào thế giới hoàn toàn khác sau khi đăng ký thuê bao”, Clay Fisher - cựu phó giám đốc điều hành cấp cao tại New York Times trong giai đoạn 2015-2018 - nói.

Một phần của chiến lược nuôi dưỡng này là xác định khi nào khách hàng có nguy cơ hủy đăng ký thuê bao, thông qua đánh giá tần suất vào trang và đọc tin. Khi ấy, một số biện pháp níu kéo sẽ được triển khai như trả tiền để bài viết của New York Times hiện lên nhiều hơn trên Facebook người dùng.

Wall Street Journal - không ngừng thử nghiệm

Là tờ báo kiếm ra tiền, Wall Street Journal - tờ báo ở Mỹ tập trung về mảng kinh doanh - được đánh giá là trường hợp hiếm gặp trong ngành truyền thông thế kỷ 21, theo New York Times.

Tính tới tháng 4, số thuê bao đăng ký của Wall Street Journal đã đạt con số kỷ lục 3,2 triệu, trong đó có hơn 2,46 triệu thuê bao trực tuyến. Dow Jones, công ty sở hữu Wall Street Journal và một số trang tin khác, có khoảng 4 triệu thuê bao.

Theo báo cáo doanh thu quý II trong năm tài khóa 2021 của News Corp - công ty mẹ của Dow Jones, doanh thu từ bán báo và thuê bao đăng ký của Dow Jones tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020, tương đương 23 triệu USD.

Trong khi hàng nghìn tờ báo khắp nước Mỹ phải đình bản, Wall Street Journal vẫn làm ăn có lãi với đội ngũ gần 1.300 nhân viên tòa soạn, nhờ vào chiến lược số tiên phong, theo New York Times.

Wall Street Journal là một trong số ít tổ chức báo chí tính phí độc giả trực tuyến bắt đầu từ những năm 1990, thời điểm người Mỹ còn truy cập Internet qua mạng điện thoại. Cùng thời điểm ấy, hầu hết nhà xuất bản tin tức khác, bao gồm New York Times, đều tin rằng “thông tin phải miễn phí”. Những tờ báo này cuối cùng đều phải trả giá đắt cho chiến lược kinh doanh sai lầm.

bao chi anh 4

Wall Street Journal từ sớm đã sử dụng tường thu phí cứng để tính phí độc giả. Ảnh: Mac Rumors.

Dần dần, Wall Street Journal được biết đến là tờ báo đăng tải tin tức độc đáo và mới nhất trước mọi tờ báo khác. Trong quá trình ấy, để thuyết phục độc giả mới, Wall Street Journal hứa hẹn cung cấp các tin tức độc quyền, cũng như thông tin về hiệu quả kinh doanh của gần 9.000 công ty đại chúng.

Hiện, Wall Street Journal vẫn duy trì mô hình tường thu phí cứng, tức độc giả buộc phải đăng ký gói thuê báo mới được đọc tin tức trên trang. Tuy nhiên, những năm gần đây, tờ báo này áp dụng mô hình dự đoán khả năng đăng ký thuê bao của độc giả.

Cụ thể, khi vào trang WSJ.com, độc giả chưa mua gói thuê bao sẽ được thuật toán máy học cho điểm dựa vào hơn 60 tín hiệu, như có phải lần đầu vào trang hay không, thiết bị đang dùng, nhấp chuột vào đâu, vị trí,…

Người có điểm số cao, tức rất có khả năng mua gói thuê bao, sẽ lập tức gặp phải tường thu phí. Người có điểm thấp hơn có thể sẽ được đọc một vài tin bài trước khi gặp tường thu phí.

Độc giả tới trang còn có thể được đọc miễn phí trong khoảng thời gian nhất định nếu cung cấp địa chỉ email, từ đó cho thuật toán thêm tín hiệu phân tích. Điểm số trên không làm thay đổi giá một thuê bao đăng ký.

Wall Street Journal liên tục thử nghiệm các cách để khiến độc giả đăng ký thuê bao. Chẳng hạn, nếu phóng viên của Wall Street Journal chia sẻ link một bài viết trên mạng xã hội, tờ báo sẽ cho phép người truy cập qua link đó được đọc miễn phí bài đó. Trong đại dịch, tờ báo tiếp tục dùng cơ hội này để nghiên cứu độc giả.

Tập trung xin quyên góp

Đi ngược xu hướng, The Guardian - tờ báo danh tiếng có trụ sở ở Anh - từ chối dựng tường thu phí vì tôn chỉ thúc đẩy báo chí tự do cho mọi người mọi nơi. Guardian thuộc Guardian Media Group (GMG), công ty con của công ty TNHH Quỹ Scott.

Từ trước khi Covid-19 xuất hiện, Guardian đã kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm và phải được nguồn tài chính của Quỹ Scott chống đỡ lên đến 41,43 triệu USD. Để khắc phục tình trạng này, năm 2016, Guardian khởi xướng chiến lược đăng ký thành viên.

Theo chiến lược này, Guardian kêu gọi độc giả tình nguyện đăng ký thuê bao hàng tháng hoặc đóng góp một lần với số tiền ít nhất là 1 USD. Kể cả khi không đóng góp, độc giả vẫn có thể đọc miễn phí toàn bộ nội dung.

Guardian cũng cho phép độc giả bỏ ra 6,99 USD mỗi tháng để có trải nghiệm tốt hơn khi dùng ứng dụng miễn phí của báo (như không quảng cáo, có trò chơi ô chữ mỗi ngày,…).

Một năm sau, Guardian lập tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ để xin tài trợ kinh phí từ các tổ chức từ thiện, quỹ doanh nghiệp, và viện chính sách.

bao chi anh 5

Độc giả thường sẽ bắt gặp tin nhắn kêu gọi quyên góp cuối mỗi bài viết trên The Guardian. Ảnh: Reddit.

Sau 3 năm, mô hình “nhận quyên góp từ độc giả” có thành công bước đầu. Trong năm tài khóa 2018-2019, có 650.000 độc giả quyên góp thường xuyên cho Guardian và hơn 300.000 khoản đóng góp một lần. 55% doanh thu của Guardian đến từ trực tuyến (thông qua quảng cáo và quyên góp), trong khi chỉ 8% doanh thu tới từ quảng cáo trên báo in.

Năm tài khóa 2018-2019 cũng là lần đầu tiên GMG có lãi trong 21 năm trở lại. Ngày 1/5/2019, GMG thông báo lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh là hơn 1 triệu USD. Ba năm liền trước, GMG lỗ hơn 72 triệu USD.

Khi Covid-19 bùng phát, GMG gặp thách thức rất lớn. Tháng 7/2020, tờ báo thông báo kế hoạch cho nghỉ việc 180 vị trí. Dù vậy, tháng 4, GMG cho biết tổng doanh thu vẫn giữ ở mức ổn định là 310,76 triệu USD trong năm tài khóa 2020-2021, nhưng có sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu doanh thu.

Trong khi thu nhập từ báo in và quảng cáo tiếp tục giảm, thu nhập trực tuyến từ độc giả quyên góp hoặc đăng ký thuê bao tăng 61%, đạt 95,3 triệu USD. Hơn 50% doanh thu tới trực tiếp từ độc giả, dù Guardian không dựng tường thu phí.

Ông Benton, thuộc Quỹ Báo chí Nieman, nhận định rằng Guardian cũng sẽ được coi là vượt qua đủ 4 cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi trực tuyến nếu báo này dựng tường thu phí đúng nghĩa.

Theo giáo sư công nghệ thông tin Josep Valor, thuộc trường kinh doanh IESE, Đại học Navarra (Tây Ban Nha), thành công của mô hình quyên góp như Guardian phụ thuộc vào quan hệ giữa tờ báo và độc giả. Độc giả sẽ đóng góp nếu thích nội dung và tin vào sứ mệnh của báo.

Các khoản quyên góp cho Guardian còn khiêm tốn nhưng là dòng doanh thu ngày càng tăng. Từ tháng 4/2020 tới tháng 4/2021, chi nhánh xin tài trợ tại Mỹ của Guardian gây quỹ được 9 triệu USD.

Theo giáo sư Valor, thành công của Guardian vẫn còn hạn chế nhưng nó đã mở ra lối đi cho các tờ báo địa phương - những tờ báo vừa không thể duy trì tường thu phí cứng vừa không thể sống dựa vào phí quảng cáo.

Kinh doanh thua lỗ, tờ báo lớn nhất Singapore sẽ chuyển đổi mô hình

Tập đoàn truyền thông Singapore Press Holdings (SPH) ngày 6/5 công bố kế hoạch lập công ty báo chí phi lợi nhuận. Quyết định này có thể mở lối đi mới cho tương lai báo chí.

Tập đoàn tin tức Canada phát hành app đánh bạc để hỗ trợ ngành báo

Torstar, công ty Canada sở hữu hơn 70 tờ báo, đã giới thiệu một ứng dụng đánh bạc trực tuyến để "hỗ trợ và mở rộng sự phát triển của báo chí chất lượng", theo Guardian.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm