Ngày 6/5, tập đoàn Singapore Press Holdings (SPH) công bố kế hoạch tái cấu trúc công ty con SPH Media - chủ sở hữu một số tờ báo lớn nhỏ tại Singapore, trong đó có The Straits Times, vì thua lỗ.
Chủ tịch SPH Lee Boon Yang cho biết việc tái cấu trúc sẽ cho phép hoạt động truyền thông của công ty có thể vận hành dưới hình thức phi lợi nhuận để tập trung vào chất lượng báo chí, Straits Times đưa tin ngày 10/5.
Tuyên bố của SPH đã mở ra những câu hỏi vẫn đang làm đau đầu các tổ chức báo chí trên thế giới: Trong thời đại đột phá công nghệ có thể bất ngờ phá bỏ những cách làm việc cũ, các tòa soạn cần làm gì để đảm bảo tương lai cho tờ báo của mình? Làm thế nào để vượt qua thách thức tìm kinh phí cho hoạt động báo chí chất lượng cao?
Singapore Press Holdings dự định tái cấu trúc mảng truyền thông của mình thành thực thể phi lợi nhuận vì doanh thu giảm mạnh. Ảnh: Straits Times. |
Thua lỗ trong hoạt động
Quyết định tái cơ cấu của SPH được đưa ra trong bối cảnh 5 năm qua, doanh thu hoạt động từ mảng truyền thông của tập đoàn này giảm một nửa, chủ yếu là do doanh thu từ quảng cáo báo in và lượng báo in bán ra cùng giảm.
Hoạt động truyền thông của SPH lần đầu tiên báo lỗ 11,5 triệu SGD (8,6 triệu USD) trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/8/2020. Khoản lỗ này sẽ còn lớn hơn nếu không có trợ cấp tiền lương của chính phủ Singapore trong Covid-19.
SPH ngày càng tăng cường hiện diện trực tuyến. Chính điều này giúp lượng độc giả trung bình hàng tháng của mọi tờ báo thuộc tập đoàn này tăng gần gấp đôi, đến 28 triệu người trong vòng hai năm qua. Đây là lượng độc giả lớn nhất trong lịch sử của SPH.
Riêng với tờ The Straits Times, trong khi doanh thu từ phiên bản báo in đi xuống, số lượt đăng ký báo điện tử và độc giả trực tuyến đều tăng trưởng. Thách thức với tờ báo lúc này là làm cách nào để kiếm tiền từ độc giả và tăng doanh thu trong tương lai.
Chủ tịch SPH Lee Boon Yang. Ảnh: Straits Times. |
Trước những xu hướng trên, ông Lee cho rằng mô hình công ty đại chúng không còn là mô hình khả thi đối với SPH Media.
“SPH Media cần một mô hình ngân sách mới để về lâu dài đảm bảo được nguồn tài chính và giữ được sự linh hoạt trong hoạt động”, ông Lee nói.
Hướng đi mới dưới mô hình phi lợi nhuận
Theo kế hoạch tái cấu trúc, SPH sẽ đặt SPH Media - bao gồm The Straits Times - hoàn toàn dưới quyền sở hữu của một công ty TNHH bằng sự bảo đảm (Company limited by guarantee).
Công ty TNHH bằng sự bảo đảm có các thành viên, thay vì có cổ đông như công ty TNHH bằng cổ phiếu. Những thành viên này đồng ý trả số tiền cố định (để trả nợ một phần) nếu công ty chấm dứt hoạt động, theo Cơ quan Quản lý Tập đoàn và Kế toán thuộc Bộ Tài chính Singapore.
Mô hình công ty này bị cấm trả lợi tức cho thành viên, theo Singapore Legal Advice. Mọi lợi nhuận đều sẽ được quay vòng về công ty. Ngược lại, các thành viên không phải góp vốn khi công ty được thành lập và trong lúc hoạt động.
Thông thường, hình thức công ty này chủ yếu hoạt động bằng nguồn vốn huy động từ bên ngoài (có thể là tư nhân hoặc nhà nước) và được thành lập để thực hiện các mục tiêu phi lợi nhuận.
Trong trường hợp của họ, SPH cho biết mô hình phi lợi nhuận sẽ cho phép SPH Media huy động vốn từ những nguồn tư nhân hoặc nhà nước có cùng chung mục đích muốn ủng hộ báo chí chất lượng.
Lo ngại về tính khách quan
Chính phủ Singapore tỏ ra ủng hộ đề xuất tái cấu trúc SPH Media của SPH và cho biết sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho công ty báo chí phi lợi nhuận, Straits Times đưa tin.
Điều này không khỏi làm dấy lên lo ngại về việc liệu những tờ báo trong tay SPH có giữ được sự độc lập và lập trường nếu nhận kinh phí từ chính phủ sau tái cơ cấu hay không.
Ngày 10/5, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Singapore S. Iswaran tuyên bố đảm bảo rằng truyền thông nước này hoạt động độc lập với chính quyền, trong khuôn khổ quy định Luật Báo chí và In ấn.
“Chính quyền và truyền thông sẽ không nhất trí trong mọi vấn đề và sự cố, nhưng điều ấy nằm trong dự kiến”, Bộ trưởng Iswaran nói. “Đó là cách mà SPH và cả Mediacorp (tập đoàn truyền thông nhà nước tại Singapore) đã hoạt động từ trước đến nay”.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore S. Iswaran. Ảnh: Straits Times. |
Cũng về vấn đề này, giáo sư kinh tế học người Pháp Julia Cage chỉ ra rằng ngân sách nhà nước đóng vai trò lớn trong hoạt động của các trường đại học và viện chính sách ở hầu hết quốc gia. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới sự độc lập hay làm giảm chất lượng nghiên cứu và giảng dạy của các tổ chức ấy.
Giáo sư Cage cho rằng tin tức về cốt lõi cũng là loại hàng hóa công cộng mà ai cũng nên được tiếp cận, như giáo dục. Vì thế, bà Cage tin rằng cơ sở báo chí nên được trao địa vị tổ chức truyền thông phi lợi nhuận, như nhiều trường đại học lớn kết hợp hoạt động thương mại và phi lợi nhuận. Đây là vị trí ở giữa quỹ từ thiện và tập đoàn.
Đồng ý với bà Cage, giáo sư Nicholas Lemann thuộc Trường Báo chí Columbia (Mỹ) chỉ ra rằng “phần lớn người tìm kiếm sự thật ở Mỹ nhận kinh phí từ chính phủ” như các nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu hoặc các nhà kinh tế học ở Cục Dự trữ Liên bang.
“Những hoạt động này đều tương đối thành công, bất chấp rủi ro xảy ra can thiệp chính trị tiềm ẩn sâu sắc trong cơ chế ấy”, giáo sư Lemann cho hay.
Vấn đề của SPH là bài toán chung
Cũng trong tuyên bố ngày 10/5, Bộ trưởng Iswaran chỉ ra rằng hầu hết báo chí toàn cầu đang làm ăn thua lỗ, nhiều tòa soạn đang thu hẹp và thậm chí đóng cửa.
Theo Bộ trưởng Iswaran, các tờ báo nổi tiếng tại Đông Nam Á đã đổi chủ, tái cơ cấu, hoặc đình bản trong những năm gần đây. Chẳng hạn, tờ The Jakarta Globe dừng báo in và hoàn toàn chuyển sang báo điện tử trong năm 2015. Hoặc phần lớn cổ phần của tờ Philippine Star được tập đoàn viễn thông PLDT mua lại.
Hơn 1/4 tờ báo Mỹ đã biến mất trong 15 năm trở lại đây, khiến số việc làm tại tòa soạn giảm đi một nửa. Hơn một nửa nước Anh không còn có báo địa phương hoạt động, ông Iswarann nói.
Kể cả những trang tin điện tử và số hiếm các tờ báo làm ăn có lãi cũng liên tục chịu áp lực. Buzzfeed, trang web với lượng độc giả trực tuyến lớn hơn số người đọc của bất cứ tờ báo in nào, chưa bao giờ có lãi.
The Straits Times là tờ nhật báo tiếng Anh nhiều người đọc tại Singapore của SPH. Ảnh: Straits Times. |
The Wall Street Journal phải thay đổi mô hình vận hành để đảm bảo hoạt động. Tờ báo này đầu tư vào đội ngũ sáng tạo đặc biệt gồm 150 nhân viên, đồng thời phải cắt giảm hoạt động bản in và lượng nhân viên vào năm 2016.
The New York Times đạt 7,5 triệu người đăng ký vào năm 2020, nhưng doanh thu quảng cáo sụt giảm 26% trong cùng năm.
“Thành công của The New York Times không dễ sao chép. Tờ báo này chiếm được sự chú ý toàn cầu mà báo chí viết từ góc nhìn của một nước nhỏ như Singapore khó có thể mô phỏng”, Bộ trưởng Iswaran đánh giá.
Trong khi đó, Financial Times có được ưu điểm là tờ báo chuyên về kinh tế và kinh doanh. Ngoài sức hút mạnh về mặt quảng cáo, tờ báo này còn có lượng độc giả nhỏ nhưng giàu có. Dù vậy, năm 2015, tập đoàn truyền thông Nhật Bản Nikkei vẫn mua được Financial Times từ tay công ty Anh.
"Như vậy, kể cả tờ báo thành công cũng có thể bị thâu tóm”, Bộ trưởng Iswaran nhận xét.