“Chúng ta đang đứng giữa ngã rẽ. Con đường chúng ta chọn sẽ quyết định tương lai. Chúng ta cần tự cứu mình và cả hành tinh trước thảm họa lớn”, giáo sư Muhammad Yunus, hiệu trưởng danh dự Đại học Glasgow Caledonian, nói trong một buổi trao đổi tối 3/12 với đại diện thanh niên các nước Đông Nam Á.
Ông Yunus được trao tặng giải Nobel Hòa bình vào năm 2006 nhờ những cống hiến cho việc xóa đói giảm nghèo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với giả thuyết về “thế giới ba không”, giáo sư Yunus đã mang đến một tầm nhìn mới về tương lai nhân loại. Đó là một thế giới “không nghèo đói, không thất nghiệp và không ô nhiễm”.
Sự bất bình đẳng phơi bày trong đại dịch
Theo giáo sư Yunus, đại dịch tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới, khiến nhiều người bị mất thu nhập, sinh kế và thức ăn. “Đại dịch xảy ra giữa thời điểm thế giới đang ở trên một chuyến tàu tốc hành, nhưng chuyến tàu đó lại đưa con người đến với thảm họa”.
Vị giáo sư cũng chỉ rõ đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Những người có thu nhập thấp ngày càng chìm sâu vào tình cảnh nghèo đói, trong khi tài sản của nhóm người có mức thu nhập cao vẫn không ngừng tăng lên.
Giáo sư Muhammad Yunus. Ảnh: Philosophie. |
Thảm họa do đại dịch Covid-19 gây ra cũng phơi bày sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất ở sự chênh lệch về tiếp cận vaccine giữa các nước nghèo và những quốc gia giàu có, theo vị giáo sư.
“Mục tiêu của các công ty dược phẩm là lợi nhuận. Do đó, họ dường như đã xây dựng một ‘bức tường lợi nhuận’ bao quanh vaccine. Chúng ta sẽ không được tiêm chủng nếu không thể mang lại lợi nhuận cho họ”, ông cho biết.
“80% số vaccine đã nằm trong tay 10 nước giàu. Có thể họ không cần nhiều đến mức đó, nhưng họ có đủ tiềm lực tài chính để làm điều này”, ông nói thêm.
Điều nghịch lý là nguồn vaccine dồi dào đó đang có nguy cơ bị vứt bỏ vì quá hạn ở một số nước. Theo giáo sư Yunus, đây là “hệ quả của một thế giới tập trung vào lợi nhuận và của cải”.
Vì vậy, chủ nhân giải Nobel Hòa bình cho rằng cần phải loại bỏ nguyên tắc trên và xây dựng một thế giới mới - nơi lợi nhuận không phải là động lực duy nhất cho việc kinh doanh.
Những bất ổn phơi bày trong đại dịch cũng là lý do ông dành sự chú ý đặc biệt đến thế hệ trẻ. “Hãy nhìn vào những cơ hội mà đại dịch mang đến cho thế hệ trẻ và đừng bỏ lỡ chúng”, ông cho biết.
Ông nhận định thế giới đang phải đối mặt với những điều tồi tệ và có nguy cơ chuyển biến xấu hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta không thể mặc nhiên đổ lỗi cho sự vận động của những điều xung quanh. Tất cả thảm họa này đều do con người tạo ra, ông nhấn mạnh.
“Chúng ta đã tạo ra vấn đề, vì vậy, phải giải quyết chúng. Giờ là lúc khắc phục những hậu quả mà con người đã gây ra và đi theo một hướng khác thay vì tự đào mộ chôn mình”, ông Yunus nói.
Theo vị giáo sư, con người không nên quay lại chuyến tàu cũ với những con đường cũ, hay những ngày trước đại dịch, mà nên tạo dựng con tàu với những điểm đến mới.
Đích đến của hành trình đó là “một thế giới 3 không” - không ô nhiễm, không nghèo đói và không thất nghiệp, ông cho biết.
Sức mạnh của sự sáng tạo
Hiện nay, sự phát triển khoa học - công nghệ đang tạo ra các thiết bị, máy móc có thể dần thay thế con người trong các hoạt động sản xuất và mọi lĩnh vực đời sống. Thế nhưng, “liệu con người có trở nên hoàn toàn không quan trọng”?
Trả lời cho câu hỏi này, giáo sư Yunus nói “năng lực sáng tạo của con người là vô hạn, và trách nhiệm của chúng ta là giải phóng được sức mạnh đó”.
Buổi tọa đàm với giáo sư Yunus do Học viện YSEALI, Đại học Fulbright Việt Nam, tổ chức vào tối 3/12 với sự tham gia của các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Chụp từ video sự kiện. |
Giáo sư Yunus cũng bày tỏ hy vọng thế hệ trẻ sẽ sử dụng năng lực của mình “để giải quyết các vấn đề vì lợi ích tập thể”. Điều này khác hoàn toàn so với triết lý kinh doanh tối đa hóa lợi nhuận cá nhân, và được gọi với cái tên “hình thức kinh doanh xã hội”.
Theo đó, các doanh nghiệp xã hội hoạt động để giải quyết những vấn đề chung thay vì mục tiêu lợi nhuận. Họ cống hiến hết mình vì biết rằng công việc của họ sẽ cứu sống hàng triệu người. Đây cũng là hướng đi để tạo ra “thế giới ba không”, ông cho biết.
Giáo sư Muhammad Yunus đồng thời chỉ ra những bất cập trong hệ thống giáo dục hiện nay.
Giáo sư cho biết “hệ thống giáo dục của chúng ta được xây dựng dựa trên mục tiêu tạo ra việc làm”. Những người trẻ được đào tạo và cung cấp các chứng chỉ, bằng cấp để “trở thành một nhân viên tốt”.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thay đổi không ngừng của thế giới, các tổ chức giáo dục cần phải tạo ra một môi trường mới, giúp người trẻ “phát huy được tinh thần khởi nghiệp” và tạo ra những điều có ích cho xã hội.