"Giống như vũ trụ nằm trên lưng một con rùa, và con rùa này lại nằm trên lưng con rùa khác, nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden có thể chứng kiến những cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau", nhà phân tích Mark Gongloff của Bloomberg viết.
Theo các chuyên gia, nhiệm kỳ của Tổng thống Biden bắt đầu từ một cuộc khủng hoảng. Và ông phải bắt tay vào giải quyết một số vấn đề khẩn cấp khác ngay từ khi bước vào Nhà Trắng. Ngay cả quá trình chuyển giao quyền lực của ông Biden cũng gặp vấn đề.
Nguyên nhân là người tiền nhiệm Donald Trump không muốn rời đi.
Chính quyền của ông Biden sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm sau. Ảnh: Bloomberg. |
Nguy cơ suy thoái kép
Sau khi rơi vào suy thoái, nền kinh tế Mỹ bật tăng trở lại trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, sự phục hồi thị trường việc làm của Mỹ có nguy cơ bị đình trệ vì các đợt bùng phát dịch mới. Trong tháng 11, Mỹ chỉ bổ sung 245.000 việc làm với tốc độ tuyển dụng thấp nhất kể từ tháng 4. Hồi tháng 10, con số này là 610.000 việc làm.
Sự sụt giảm số việc làm tại các doanh nghiệp nhỏ cho thấy nguy cơ nền kinh tế một lần nữa rơi xuống hố sâu suy thoái. "Đại dịch đang hoành hành và nó lại bắt đầu gây thiệt hại", ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, bình luận.
Theo các cố vấn của ông Biden, nếu không sớm đạt được thỏa thuận về gói kích thích, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kép, ngay cả khi vaccine chống Covid-19 sắp được phân phối. Theo ông Zandi, số việc làm bị mất có thể lên đến 3 triệu trong nửa đầu năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức hiện tại 6,9% lên gần 10%.
Tranh cãi về quy mô gói kích thích khiến cuộc đàm phán giữa hai đảng bị đình trệ trong nhiều tháng. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã gạt bỏ nhiều đề xuất của đảng Cộng hòa ở Thượng viện. Đảng Dân chủ lập luận rằng đề xuất của đảng Cộng hòa không đủ để giải quyết những vấn đề tồn đọng của nền kinh tế.
Nhiều người Mỹ vẫn sống dựa vào khoản trợ cấp thất nghiệp sắp hết hạn và phiếu thực phẩm. Ảnh: CNN. |
Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng gói chi tiêu lớn sẽ dẫn đến những rủi ro về nợ công. Họ cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế đang được cải thiện. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell khẳng định sự cứng rắn của đảng Dân chủ sẽ khiến các cá nhân và hộ gia đình Mỹ chẳng nhận được đồng nào.
Theo New York Times, các nhà kinh tế cũng đang nhấn mạnh sự cần thiết của việc hành động nhanh chóng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với một gói kích thích nhỏ hơn. "Điều tôi thực sự lo lắng là hàng triệu người không có đủ thức ăn và nhà ở trong mùa đông tới", nhà kinh tế Melissa S. Kearney nói.
Biến đổi khí hậu
"Thảm họa lớn nhất - đại dịch và cuộc suy thoái kinh tế vì đại dịch - ít nhất đã có các giải pháp để khắc phục. Vaccine chống Covid-19 đang được triển khai. Điều đó sẽ giúp ích cho nền kinh tế. Nhưng những trường hợp khẩn cấp khác khó đối phó hơn nhiều", chuyên gia Gongloff của Bloomberg cảnh báo.
Đầu tiên là sự nóng lên toàn cầu, dẫn đến thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh và tàn phá nền kinh tế. "Ông Biden có thể đối phó với nó bằng một cách khá hiệu quả. Đó là tiêu chuẩn doanh nghiệp quốc tế đối với việc báo cáo rủi ro khí hậu", tỷ phú Mike Bloomberg, nhà sáng lập Bloomberg, gợi ý.
"Nếu các công ty trên toàn cầu có chung một ngôn ngữ về vấn đề này, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng tính toán hơn", ông nhận định. Theo ông Bloomberg, trách nhiệm giải trình có thể có tác động lớn, thúc đẩy các công ty khai thác dầu mỏ và những doanh nghiệp khác phải thay đổi.
Dưới áp lực từ các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, ngay cả một tập đoàn dầu khí khổng lồ như Exxon Mobil cũng đang nâng cao mục tiêu cắt giảm khí thải.
Ông Mike Bloomberg, nhà sáng lập tập đoàn tài chính và truyền thông Bloomberg LP, nắm giữ khối tài sản trị giá 55 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, ông Liam Denning - chuyên gia về năng lượng, khai thác và hàng hóa của Bloomberg - nhận định điều đó vẫn chưa đủ. Chỉ những nhà đầu tư lớn như BlackRock, tập đoàn quản lý quỹ đầu tư 7.430 tỷ USD, mới có thể gây sức ép buộc các công ty này hành động nhiều hơn.
Ông Biden cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kéo dài ở biên giới phía nam. "Làn sóng di cư từ Trung Mỹ sang Mỹ vẫn rất lớn", chuyên gia Bloomberg Francis Wilkinson bình luận.
Thương chiến Mỹ - Trung
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 4, ông Biden khẳng định lập trường của ông là cứng rắn với Trung Quốc. "Nếu tiếp tục, Trung Quốc sẽ còn cướp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ và doanh nghiệp Mỹ", cựu phó tổng thống Mỹ cảnh báo.
"Chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục trợ cấp cho doanh nghiệp nước này, tạo ra lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng, đẩy mạnh việc thống trị công nghệ và các ngành công nghiệp tương lai", ông nhấn mạnh.
Theo giới phân tích, ông Biden sẽ duy trì thuế trừng phạt đánh lên hàng Trung Quốc và đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo và sản xuất chất bán dẫn. Mục đích là đảm bảo Mỹ duy trì hoặc giành lại vị thế dẫn đầu trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ngoài ra, dưới thời ông Trump, quan hệ với các đồng minh trở nên căng thẳng. Mỹ rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế và áp thuế lên hàng hóa của hàng loạt đối tác thương mại như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh.
Trong khi đó, ông Biden nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để đối phó với Bắc Kinh là tạo "mặt trận thống nhất" với các đồng minh. "Khi cộng hưởng với các quốc gia khác, sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên gấp đôi. Trung Quốc không thể làm ngơ hơn 50% kinh tế toàn cầu", ông khẳng định.