Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mất thu nhập, tôi không biết nên dành dụm hay sắm sửa Noel cho con'

Nhiều người Mỹ không đủ tiền trang trải cuộc sống, thậm chí phải sống dựa vào phiếu thực phẩm, vì mất thu nhập do đại dịch. Khi Giáng sinh đến gần, họ càng trở nên tuyệt vọng.

Phòng khách nhà bà Angela Kearney treo đầy đồ trang trí Giáng sinh. Không khí lễ hội bao trùm căn phòng, nhưng tâm trạng của cô tràn ngập nỗi sợ hãi. Theo CNN, bà Kearney phải nghỉ làm trợ lý luật sư kể từ tháng 3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các khoản trợ cấp thất nghiệp của bà sẽ cạn kiệt vào tháng 1/2021, giống như 12 triệu người Mỹ khác. Người mẹ của 5 đứa con sống dựa vào khoản tiền trợ cấp 300 USD/tuần.

Chồng của bà Kearney vừa mới đăng ký xin trợ cấp khuyết tật nên không đủ điều kiện nhận hỗ trợ thất nghiệp. "Chỉ riêng khoản tiền trợ cấp của tôi không thể đủ để trang trải cuộc sống thường ngày", cô Kearney than thở.

Nguoi My that nghiep anh 1

Bà Angela Kearney có 5 người con, 3 trong số đó vẫn sống tại nhà cùng cô. Ảnh: CNN.

Không đủ tiền trang trải cuộc sống

Tuần trước, 853.000 người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Những con số vẫn tiếp tục tăng lên khi Quốc hội Mỹ bế tắc trong việc đạt thỏa thuận về quy mô gói kích thích kinh tế mới.

Theo Đại học Columbia, 8 triệu người Mỹ đã rơi vào cảnh nghèo đói kể từ hồi tháng 5. "Trước đại dịch, 40% hộ gia đình Mỹ không có nổi 400 USD để chi trả nếu xảy ra sự cố bất ngờ", TS Amy Baker tại Đại học Pennsylvania nhận định. "Điều tôi lo ngại là chúng ta đang tạo ra sự bất bình đẳng mới và tầng lớp nghèo đói mới. Mọi người sẽ không thể trở lại như cũ", TS Baker bình luận.

Bà Kearney thừa nhận rằng phải mất nhiều năm nữa để tài chính của bà trở lại như trước đại dịch. Bà mẹ 5 con không thể trả nợ thẻ tín dụng và nếu khoản trợ cấp thất nghiệp hết hạn vào tháng tới, bà Kearney sẽ mất xe. Bà Kearney bị khoèo chân bẩm sinh và gặp khó khăn trong việc đi lại.

Tháng 12 năm ngoái, bà nhận được công việc ở một công ty luật với thu nhập 55.000 USD/năm. "Đó là số tiền lớn hơn tất cả những gì tôi từng thấy trong đời. Tôi đã hứa rằng các con tôi sẽ được sống như những đứa trẻ bình thường. Và rồi đại dịch diễn ra. Tôi không thể giữ lời hứa", bà tuyệt vọng.

Nguoi My that nghiep anh 2

Bà Kearney chật vật xoay xở với khoản tiền trợ cấp 300 USD/tuần để nuôi gia đình. Ảnh: CNN.

Bà Kearney, 52 tuổi, và chồng hiện đều thất nghiệp. Cả gia đình đang thuê một ngôi nhà ở Pottstown (bang Pennsylvania). Bà đã hứa với các con sẽ mua một ngôi nhà mới. Nhưng điều đó sẽ tốn rất nhiều thời gian. Người phụ nữ 52 tuổi còn các hóa đơn phải trả, bao gồm khoản vay sinh viên trị giá 63.000 USD.

Lệnh cấm đuổi người thuê nhà cũng hết hạn vào cuối tháng này. Trong khi đó, bà muốn con mình vẫn có một lễ Giáng sinh vui vẻ. Vì vậy, bà Kearney đành chấp nhận việc hóa đơn tiền điện sẽ tăng lên, chỉ để giữ đèn trang trí sáng, tạo không khí Giáng sinh.

"Ông già Noel sẽ ở đây. Bởi vì những đứa trẻ là điều quan trọng nhất", bà Kearney chia sẻ.

Sống dựa vào phiếu thực phẩm

Trong khoảng thời gian này, các con của bà Kearney đều phải học trực tuyến ở nhà. Trường học của những đứa trẻ cung cấp đồ ăn sáng, bữa trưa và đồ ăn nhẹ cho chúng. Điều đó giúp ích nhiều cho bà. Gia đình Kearney chỉ còn phiếu thực phẩm trị giá 400 USD/tháng.

"Từng đó có đủ để nuôi tất cả chúng tôi không? Không đủ thì vẫn phải đủ thôi, đúng không?", bà than thở.

Khoảng 50 triệu người Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Nhiều người trong số họ lần đầu tiên trong đời trải qua việc không đủ cái ăn. Tổ chức cứu đói lớn nhất nước Mỹ - Feeding America - tiết lộ sẽ cần 8 tỷ bữa ăn trong năm để trợ giúp cho những người này.

"Có nhiều người đang tìm đến chúng tôi để được giúp đỡ. Và chúng tôi chưa từng nhìn thấy họ trước đây", bà Claire Babineaux-Fontenot, Giám đốc điều hành của Feeding America, tiết lộ.

Nguoi My that nghiep anh 3

Bà Kearney vẫn muốn có một Giáng sinh vui vẻ cho các con, ngay cả khi mất thu nhập và không đủ tiền để trả hàng loạt hóa đơn. Ảnh: CNN.

"Khoảng 40% những người đang sống nhờ các food bank (nơi cung cấp đồ ăn miễn phí cho người nghèo ở Mỹ) chưa từng dựa vào các tổ chức từ thiện trước đây", bà Babineaux-Fontenot ước tính.

Bà Kearney đã sống dựa vào phiếu thực phẩm trong vòng nhiều năm. Tuy nhiên, năm ngoái, bà tốt nghiệp đại học và nhận được công việc trợ lý luật sư. Điều đó giúp gia đình bà Kearney sống tốt hơn.

Thế nhưng đại dịch đã buộc bà phải trở lại với các phiếu thực phẩm. "Tôi nỗ lực rất nhiều để leo lên ngọn núi, và rồi nhanh chóng bị xô khỏi đó", bà tuyệt vọng.

Hiệu ứng domino đằng sau cú trượt dài của các hãng hàng không

Các hãng bay thuê nhiều dịch vụ như thủ tục hành khách, bốc xếp, trả hành lý... Trong cơn lũ tàn phá của dịch Covid-19, đây không phải đối tượng duy nhất lún sâu vào khủng hoảng.

Vaccine Covid-19 đưa nhà sáng lập BioNTech lọt top 500 người giàu nhất

Cổ phiếu BioNTech tăng vọt sau thông tin Anh phê duyệt vaccine chống Covid-19, đưa nhà sáng lập Ugur Sahin vào nhóm 500 tỷ phú giàu nhất thế giới.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm