Theo South China Morning Post, các nhà phân tích cho rằng ngoài mật ong, trái cây, sữa và dược phẩm, len Australia có thể là mục tiêu thương mại tiếp theo của Bắc Kinh.
Theo ông Scott Waldron, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Nông nghiệp và Khoa học Thực phẩm thuộc Đại học Queensland (Australia), khoảng 80% len Australia được đưa đến Trung Quốc để xử lý hoặc bán trực tiếp. Điều đó khiến sản phẩm này trở nên dễ tổn thương trong xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Australia.
"Nếu mục đích chính của Trung Quốc là tối đa hóa chi phí và đòn bẩy đối với Australia, Bắc Kinh sẽ nhắm vào sản phẩm len", ông viết trong nghiên cứu "Logic trong Sự chèn ép Kinh tế của Trung Quốc đối với Nông nghiệp Australia". Thêm vào đó, các nhà xuất khẩu Australia có khá ít thị trường thay thế. Vì vậy, ông Waldron cảnh báo thuế có thể là "rào cản lớn làm tê liệt ngành công nghiệp len Australia".
Bắc Kinh có thể nhắm đến sữa, trái cây, dược phẩm và len Australia. Ảnh: Reuters. |
Tín hiệu phân ly
Việc hạn chế len Australia sẽ dẫn đến ngành công nghiệp may mặc của Trung Quốc bị ảnh hưởng. Trên thực tế, rất ít thị trường có thể thay thế len chất lượng cao của Australia. Tuy nhiên, Trung Quốc sẵn sàng chịu chi phí lớn để chèn ép kinh tế Australia và đạt chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và đa dạng hóa nhập khẩu.
Chính phủ Trung Quốc không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về việc nhắm mục tiêu vào len Australia. Tuy nhiên, bầu không khí giữa Bắc Kinh và Canberra vẫn rất căng thẳng. Ông Ed Storey, người chăn cừu ở bang New South Wales, Chủ tich Hội Wool Producers Australia, khẳng định ông vẫn tin tưởng hoạt động buôn bán diễn ra tốt đẹp, không có dấu hiệu nào cho thấy các chuyến hàng đến Trung Quốc gặp vấn đề.
Theo ông Storey, len Australia là thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu. "Chúng tôi luôn tự tin vào hàng hóa xuất khẩu của nước mình. Len Australia vẫn có danh tiếng tốt trên toàn thế giới", ông khẳng định.
Theo ông Waldron, khác với lúa mạch Australia, len Australia khá khó thay thế. Kể từ tháng 5, Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp 80,5% đối với lúa mạnh Australia. Tuy nhiên, sản phẩm này có thể nhập khẩu từ cả Canada, Ukraine và Pháp.
Len Australia nổi tiếng toàn cầu về chất lượng. Ảnh: SCMP. |
"Chi phí cho việc hạn chế len Australia là quá lớn. Quặng sắt Australia có thể cũng ở vị thế tương tự. Trung Quốc phụ thuộc vào sản phẩm này", ông nói thêm. "Các đòn kinh tế vẫn chưa động đến những mặt hàng như quặng sắt và len. Tuy nhiên, nếu có, đây sẽ là tín hiệu của phân ly kinh tế", ông Waldron cảnh báo.
Một phân tích mới của hãng nghiên cứu IBISWorld cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh có thể nhắm đến mật ong, sữa và dược phẩm. Nguyên nhân là các nhà sản xuất Australia khá phụ thuộc vào thị trường tỷ dân để xuất khẩu những mặt hàng này.
“Ngành nông nghiệp, nhất là các nhà sản xuất mật ong, trái cây và những sản phẩm từ sữa, cần cảnh giác cao độ với sự gián đoạn do đòn thuế trong tương lai gần", ông Liam Harrison, nhà phân tích công nghiệp của IBISWorld, bình luận. Ngoài ra, theo ông, dược phẩm và hàng hóa khai thác Australia cũng cần đề phòng rủi ro thuế.
Các mặt hàng khác
Dữ liệu của IBISWorld cho thấy xuất khẩu sữa bột Australia đặc biệt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, gần 41% doanh thu xuất khẩu của Australia đến từ thị trường tỷ dân. Đáng nói, doanh thu xuất khẩu chiếm đến 97% doanh thu bán hàng của mặt hàng này.
South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia nhận định bơ sữa khó trở thành mục tiêu của Bắc Kinh. Nguyên nhân là mặt hàng này rất quan trọng với an ninh lương thực Trung Quốc sau vụ sữa bột bị nhiễm melamine hồi năm 2008.
"Đòn thuế áp lên thị trường này có thể gây ra phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng Trung Quốc, thậm chí khiến sự ủng hộ dành cho việc hạn chế thương mại đối với Australia bị suy yếu", ông Harrison nhận định.
"Nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đối với bơ sữa tiếp tục giữ cho thị trường tương đối cân bằng. Đây là động lực chính giúp thương mại sữa toàn cầu tăng 3,8% trong 12 tháng tính đến tháng 8", Dairy Australia, cơ quan quản lý ngành công nghiệp sữa Australia, nhận định.
Các thực phẩm bổ sung Australia được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng vì độ an toàn. Ảnh: Reuters. |
Dược phẩm - chiếm 30% doanh thu hàng xuất khẩu sang Trung Quốc - cũng có thể ảnh hưởng bởi xung đột thương mại. Những mặt hàng này chủ yếu là các sản phẩm bổ sung vitamin, được người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng.
Trong giai đoạn năm 2018-2019, xuất khẩu vitamin và thực phẩm bổ sung sang Trung Quốc tăng 300% lên hơn 690 triệu AUD (506,3 triệu USD). Riêng thực phẩm bổ sung chiếm hơn 20% lượng hàng nhập khẩu vào Trung Quốc do nổi tiếng về độ an toàn.
Ngoài ra, một số loại trái cây cũng có thể chịu sức ép thương mại. Hơn 45% doanh thu cam, quít và 30% doanh thu hoa quả có hạt của Australia đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của hai ngành công nghiệp trên đối với xuất khẩu tương đối thấp.
Thị trường Trung Quốc còn chiếm hơn 25% doanh số xuất khẩu mật ong Australia, nhất là mật ong manuka. IBISWorld nhận định sản phẩm này cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế thương mại.