Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Covid-19 cản trở việc đàm phán COC

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết các nước ASEAN và Trung Quốc đều mong muốn sớm có COC, nhưng việc đàm phán đang gặp trở ngại là dịch Covid-19.

Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc ngày cuối của chuỗi hội nghị ASEAN với đối tác, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết các lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phải tính đến phục hồi việc di chuyển, đi lại cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những nhóm thiết yếu.

“Tuy nhiên khi đi vào (cụ thể), đây cũng chỉ là định hướng, nguyên tắc, còn thực hiện được thì cũng phải phụ thuộc tình hình dịch bệnh... phụ thuộc sự sẵn sàng của từng nước một, khó nói được là khi nào”, ông Dũng trả lời Zing.

Ông cho biết các lãnh đạo đều khuyến khích và quan tâm cao, “muốn làm sớm nhất” trong vấn đề này, nhưng cũng nhắc lại rằng ưu tiên số 1 là phải đảm bảo về sức khỏe và chống dịch.

khoi phuc di lai anh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trong một buổi họp báo đầu năm nay. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Việc nối lại đi lại đang được bàn tới nhiều trong khu vực. Chẳng hạn, tháng trước, Singapore và Hong Kong thiết lập “bong bóng du lịch hàng không” đầu tiên trên thế giới, cho phép cư dân di chuyển mà không phải cách ly. Cũng tháng trước, Singapore và Indonesia đồng ý thiết lập "hành lang xanh" cho đi lại công vụ thiết yếu giữa hai bên.

Trả lời câu hỏi của Zing về bước tiếp theo của Hiệp định RCEP, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết sau sự kiện ký kết ngày 15/11 sẽ tới giai đoạn phê chuẩn, và quy trình này phụ thuộc nội bộ từng nước.

“Phải đa số nước phê chuẩn thì hiệp định mới đi vào hiệu lực. Chúng tôi tin rằng về nhu cầu thì các nước đều có cả, nên các nước sẽ đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn này”, ông Dũng trả lời Zing.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết trưa 15/11 sẽ bao phủ khoảng 1/3 GDP, 1/3 thương mại toàn cầu. Quy mô GDP như vậy là gấp đôi hiệp định CPTPP, vượt qua các khối thương mại Mỹ - Canada - Mexico hay Liên minh châu Âu (EU).

Hiệp định hiện không bao gồm Ấn Độ. Nước này ngưng đàm phán vào năm ngoái do lo ngại về thâm hụt thương mại. Nhưng các nước ASEAN luôn cho biết hoan nghênh Ấn Độ quay lại tham gia RCEP.

khoi phuc di lai anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều nay trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam Pengiran Haji Sahari bin Pengiran Haji Salleh, tại lễ bế mạc chuỗi hội nghị ASEAN. Ảnh: Hoàng Hà.

Bình luận về tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết các nước ASEAN và Trung Quốc đều mong muốn sớm có COC, nhưng việc đàm phán đang gặp trở ngại là dịch Covid-19.

“Việc thương lượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mà thương lượng này các nước đều muốn gặp trực tiếp, không muốn thương lượng qua trực tuyến”, ông Dũng nói. “Cả năm vừa rồi phải nói là không có cuộc đàm phán thực chất nào về COC, nên khó nói được là khi nào hoàn thiện được văn bản”.

“Tất nhiên chúng tôi đều muốn đẩy nhanh (đàm phán), nhưng còn tùy vào thiện chí các bên cũng như lập trường các bên có tiến tới gần nhau hay không... nhưng mọi người đều rất mong muốn sớm có COC”, thứ trưởng cho biết.

Đàm phán COC có ít nhất ba lần đọc (tức đọc từ đầu tới cuối văn bản dự thảo). ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành một lần đọc vào năm ngoái, nên lần tiếp theo nối lại đàm phán sẽ là lần đọc thứ hai, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng từng cho biết hồi tháng 9.

15 nước ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết vào sáng 15/11 - ngày cuối của chuỗi hội nghị giữa ASEAN và các đối tác.

Hiệp định RCEP sẽ được ký ngày 15/11

Các bộ trưởng từ 15 nước vào ngày 11/11 đồng ý sẽ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại một sự kiện ngày 15/11, để ngỏ khả năng cho Ấn Độ tham gia sau này.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm