Theo Nikkei Asia, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp của Malaysia, ông Mohamed Azmin Ali, cho biết 15 nước “đã hoàn tất đàm phán và sẽ ký hiệp định RCEP ngày 15/11”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 ngày 12/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết: “Chúng ta sẽ chính thức kết thúc đàm phán và ký kết RCEP, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết ASEAN với các đối tác”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 diễn ra bằng hình thức trực tuyến sáng 12/11. Ảnh: Việt Linh. |
Hiệp định RCEP gồm 10 nước ASEAN cùng Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - sẽ trở thành khối thương mại tự do lớn nhất châu Á, bao phủ 30% GDP và thương mại toàn cầu. Quy mô GDP như vậy là gấp đôi hiệp định CPTPP.
Đây cũng sẽ là khung thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản với hai nước láng giềng, hai đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Sau 8 năm đàm phán bằng mồ hôi và nước mắt, chúng ta cuối cùng đã đến lúc có thể hoàn tất hiệp định RCEP”, ông Azmin nói sau một cuộc họp của các bộ trưởng.
Ấn Độ đã tham gia đàm phán từ năm 2013. Nhưng năm ngoái, Ấn Độ cho biết sẽ ngưng đàm phán do lo ngại về thâm hụt thương mại, và đến nay chưa quay trở lại, bất chấp các nỗ lực mời gọi của Nhật Bản, theo Nikkei Asia.
Dù các nước khác không được gia nhập RCEP trong một khoảng thời gian nhất định sau khi RCEP có hiệu lực, điều kiện này không áp dụng cho Ấn Độ. Các nước thành viên có kế hoạch soạn thảo một tài liệu riêng, cho phép New Delhi tham gia RCEP bất cứ lúc nào.
RCEP sẽ cắt thuế quan và thiết lập các quy tắc trên khoảng 20 mảng, bao gồm trao đổi dữ liệu xuyên biên giới. Nhưng RCEP sẽ giảm thuế ít hơn trong ngành nông sản và thủy sản so với hiệp định CPTPP, vì nhiều nước trong RCEP là nước xuất khẩu thực phẩm.
Chẳng hạn, đối với hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản, RCEP sẽ giảm thuế 61% đối với hàng từ các nước Đông Nam Á, Australia, New Zealand, giảm 56% với hàng từ Trung Quốc và 49% với hàng từ Hàn Quốc.