Hiệp định RCEP - gồm 10 nước ASEAN cùng 5 nước là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới, theo Bloomberg.
Hiệp định này, được ký kết tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4 diễn ra trực tuyến bên lề Cấp cao ASEAN, sẽ bao phủ khoảng 1/3 GDP, 1/3 thương mại toàn cầu. Quy mô GDP như vậy là gấp đôi hiệp định CPTPP, vượt qua các khối thương mại Mỹ - Canada - Mexico hay Liên minh châu Âu (EU).
Tạo thuận lợi cho các chuỗi cung ứng mới
“Tôi vui mừng tuyên bố sau 8 năm làm việc khó khăn, chúng ta đã kết thúc hoàn toàn đàm phán hiệp định RCEP để ký kết nhân dịp Hội nghị ASEAN 37 lần này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu mở đầu Hội nghị Cấp cao RCEP sáng 15/11.
Lễ ký hiệp định diễn ra trực tuyến vào trưa 15/11. Lần lượt, các bộ trưởng công nghiệp hoặc thương mại của từng nước đặt bút ký hiệp định, đứng cạnh chứng kiến là lãnh đạo cấp cao của nước đó - giữa tràng vỗ tay của các nước thành viên RCEP còn lại qua video. Các nước ASEAN ký trước, rồi đến các nước đối tác, theo thứ tự chữ cái.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao RCEP sáng 15/11. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trao đổi với báo chí sau lễ ký, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng hiệp định RCEP có thể tạo thuận lợi cho các chuỗi cung ứng mới, và có thể “không đặt quá nặng” thêm áp lực cạnh tranh lên doanh nghiệp Việt.
Ông nói mục tiêu nền tảng của RCEP bao gồm hài hòa thủ tục xuất xứ, thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại, tạo môi trường thuận lợi kết nối các nền kinh tế, “thực hiện quan điểm xây dựng ASEAN thành một khu vực kinh tế thống nhất trong khía cạnh sản xuất”.
“Với những điều kiện, yêu cầu cụ thể trong hiệp định... chúng tôi hoàn toàn yên tâm là liên quan đến vấn đề mở cửa thị trường thì chúng ta không có những cam kết đi xa hơn những cam kết đã có trong khuôn khổ FTA của ta với các đối tác”, ông nói về ảnh hưởng của RCEP tới Việt Nam.
“Vì vậy sức ép cạnh tranh của hàng hóa đối với thị trường nội địa cũng không đặt quá nặng cho doanh nghiệp chúng ta. Chúng ta có điều kiện để kiểm soát bằng các chính sách, cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký hiệp định với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khi được hỏi về bước tiếp theo của RCEP, ông Trần Tuấn Anh cho biết: “Các nước thống nhất với nhau trong thời gian tới, 18 tháng tới, sẽ tập trung các nỗ lực làm quy trình và thủ tục để có sự phê chuẩn chính thức”.
“Đối với Việt Nam cũng như vậy, chúng tôi cũng sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để làm bộ quy trình, nguyên tắc để báo cáo với chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội phê chuẩn”, ông nói thêm. “Về nguyên tắc, chúng tôi (trông đợi) sự phê chuẩn chung của tất cả quốc gia”.
Tuần trước, bộ trưởng phụ trách thương mại của Indonesia cho biết RCEP sẽ có hiệu lực khi có đủ các nước thành viên thông qua hiệp định trong vòng hai năm tới, theo Reuters.
"8 năm đàm phán bằng mồ hôi và nước mắt"
RCEP cũng đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc ở Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có FTA. Đây là khung thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản với hai nước láng giềng, hai đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Lần đầu tiên, Trung Quốc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận giảm thuế chung, đạt được đột phá lịch sử”, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong một thông cáo.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết các thỏa thuận trong RCEP bao gồm loại bỏ một số hàng rào thuế quan trong khối, trong đó một số có hiệu lực ngay, số khác trong vòng 10 năm tới.
Hiệp định hiện không bao gồm Ấn Độ. Nước này tham gia đàm phán từ năm 2013, nhưng đã ngưng đàm phán vào năm ngoái do lo ngại về thâm hụt thương mại, và đến nay chưa quay trở lại bất chấp nỗ lực mời gọi của Nhật Bản, theo Nikkei Asia.
Các nước thành viên dự định sẽ có điều khoản đặc biệt cho phép New Delhi tham gia RCEP bất cứ lúc nào. Trong khi đó, các nước khác ngoài hiệp định không được gia nhập RCEP trong một khoảng thời gian nhất định sau khi RCEP có hiệu lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị Cấp cao RCEP sáng 15/11. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Với các thành viên đa dạng, đàm phán (RCEP) đã là một chặng đường dài và khó khăn”, tiến sĩ Jeffrey Wilson, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Perth USAsia, một viện chính sách quan hệ quốc tế ở Đại học Tây Australia, cho biết.
“Kể từ năm 2013, các chính phủ đã hoàn tất 31 vòng đàm phán và 8 cuộc họp cấp bộ trưởng. 6 hạn chót đặt ra đã phải lùi lại. Dịch Covid-19 buộc các đàm phán phải chuyển sang trực tuyến”, ông Wilson viết trên trang web của Asia Society, tổ chức nghiên cứu châu Á.
“Sau 8 năm đàm phán bằng mồ hôi và nước mắt, chúng ta cuối cùng đã đến lúc có thể hoàn tất hiệp định RCEP”, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp của Malaysia, ông Mohamed Azmin Ali, gần đây cho biết.
Hiệp định được ký trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế do các biện pháp chống dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng do các lệnh đóng cửa biên giới và sự tụt giảm trong ngành vận tải, hàng không.
Ông Wilson cho biết một trong những tiềm năng mà RCEP mang lại nằm ở chỗ đây là một trong số ít các hiệp định thương mại khu vực mà bao gồm hầu hết nền kinh tế trong khu vực đó.
Nhờ vậy, toàn bộ chuỗi cung ứng cho một mặt hàng có thể nằm trong RCEP, và được hưởng lợi từ hiệp định - chẳng hạn, các thủ tục thương mại chung, quy tắc xuất xứ chung. Đó được coi là một lợi thế so với hiệp định CPTPP, hiện không bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nền kinh tế ASEAN khác - những nơi mà chuỗi cung ứng thường chạy qua.
“RCEP là một khuôn khổ rất cần thiết cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để phục hồi hậu Covid-19... biến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành nơi hấp dẫn để đặt chuỗi cung ứng trong nền kinh tế toàn cầu”, ông viết.
“Một khi đàm phán hoàn tất... nhiệm vụ của các chính phủ sẽ là tận dụng hiệp định thương mại này để tìm cơ hội chuỗi cung ứng của mình”.
Theo Nikkei Asia, RCEP sẽ cắt thuế quan và thiết lập các quy tắc trên khoảng 20 mảng, bao gồm trao đổi dữ liệu xuyên biên giới. Nhưng RCEP sẽ giảm thuế ít hơn trong ngành nông sản và thủy sản so với hiệp định CPTPP, vì nhiều nước trong RCEP là nước xuất khẩu thực phẩm.