Singapore đang trên đà trở thành quốc gia châu Á với dân số đáng kể đầu tiên tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trên 50% dân số, giúp tiến gần hơn tới khả năng thoát khỏi đại dịch, ít nhất về mặt lý thuyết.
Nếu như chính phủ Singapore trước đây từng tập trung mọi nỗ lực truy vết tất cả ca bệnh và kiểm soát sự lây lan của virus, nước này giờ đang xây dựng lộ trình khả dĩ để chung sống với căn bệnh.
Các quan chức Singapore cho biết Covid-19 dường như sẽ không biến mất. Tuy vậy, dịch bệnh có thể được kiểm soát và trở thành một căn bệnh ít nguy hiểm hơn như cúm. Với con đường này, Singapore sẽ trở thành phòng thí nghiệm cho kế hoạch chung sống với virus để phần còn lại của châu Á có thể rút kinh nghiệm, Nikkei Asia nhận định.
Tỷ lệ tiêm chủng bắt kịp phương Tây
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mỗi ngày giảm xuống một con số, từ 12/7, Singapore sẽ dỡ bỏ một số biện pháp phòng dịch trong nước. Lần đầu tiên sau gần 2 tháng, các nhà hàng được phép phục vụ nhóm từ 5 người trở lên, thay vì 2 người như trước đây.
Dù nhiều biện pháp hạn chế vẫn được giữ nguyên như bắt buộc đeo khẩu trang, khai báo y tế qua ứng dụng điện thoại tại các địa điểm công cộng, nhưng nhờ tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, chính phủ Singapore đang cân nhắc các bước mở cửa tiếp theo.
Tới 10/7, khoảng 69% trong tổng số 5,7 triệu cư dân ở Singapore đã được tiêm ít nhất một trong 2 liều vaccine Covid-19, tăng gấp đôi so với 60 ngày trước, Bộ Y tế Singapore cho biết. Tỷ lệ người đã tiêm đủ 2 liều vaccine là 40%.
40% dân số Singapore đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Ảnh: South China Morning Post. |
"Chúng tôi kỳ vọng 50% dân số sẽ được tiêm 2 liều vaccine trong tuần ngày 26/7. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng, chúng tôi có thể mở cửa hơn nữa", Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết, ông nói thêm Singapore giờ đã có đủ nguồn cung vaccine.
Các nền kinh tế khác tại châu Á còn cách rất xa mục tiêu 50% mà Singapore sắp đạt được. Tới cuối tuần qua, tỷ lệ người tiêm đủ liều vaccine ở Nhật Bản là 17%, Hàn Quốc là 11%, Indonesia là 5%.
Nhiều trung tâm kinh tế tại Đông Á và Đông Nam Á đối mặt làn sóng dịch bệnh tồi tệ chưa từng có và bị phong tỏa trở lại như Bangkok hay Seoul.
Trong khi đó, Singapore đang nhanh chóng bắt kịp tỷ lệ tiêm chủng cao của phương Tây. Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine ở Mỹ là 47%, Đức là 42%.
Israel là quốc gia đầu tiên tiêm đủ 2 liều vaccine cho 60% dân số. Nhưng điều đáng lo ngại là số ca mắc Covid-19 mỗi ngày ở Israel đã tăng từ một con số trở lại hơn 500 vào những tuần gần đây, đa phần là ca lây nhiễm giữa các thanh niên chưa tiêm chủng.
Tuy nhiên, nhà chức trách Israel cho biết số ca bệnh nặng tăng không đáng kể. Tới này 11/7, chỉ có tổng cộng 47 ca mắc Covid-19 diễn biến nặng ở Israel đang được điều trị.
"Đã có những dấu hiệu từ các quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng cao, cho thấy chúng ta có thể biến Covid-19 thành một loại bệnh giống cúm mùa, xét tới tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, miễn là đạt được mức độ tiêm chủng cao cần thiết", Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết.
"Đó là lý do chúng tôi nghĩ chúng ta có thể bước vào kịch bản SARS-CoV-2 được coi như một loại cúm, chúng ta sẽ có thể tiếp tục với cuộc sống bình thường. Do đó, chính phủ đang chuẩn bị lộ trình hướng tới việc chuyển đổi sang kịch bản mới nói trên", Bộ trưởng Wong nói thêm.
Lộ trình sống chung với Covid-19
Chi tiết về lộ trình sống chung với Covid-19 chưa được công bố. Tuy nhiên, các quan chức Singapore phụ trách công tác ứng phó dịch bệnh cho biết "sống cuộc sống bình thường với Covid-19" đồng nghĩa một người mắc bệnh có thể điều trị tại nhà, người dân có thể tự xét nghiệm thường xuyên bằng các bộ xét nghiệm nhanh và đơn giản.
Bên cạnh đó, các quy định chống dịch có thể được nới lỏng, người dân có thể du lịch tới các nước ít có nguy cơ về dịch bệnh nếu có giấy chứng nhận tiêm chủng.
Lúc này, một số khía cạnh cuộc sống nói trên đã thành hiện thực, như người dân có thể mua bộ tự xét nghiệm Covid-19 từ các hiệu thuốc.
Temasek Foundation, tổ chức phi lợi nhuận thuộc quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings, cũng bắt đầu phân phát miễn phí máy đo nồng độ oxy trong máu tới các hộ gia đình.
Nếu nồng độ oxy trong máu giảm mạnh, đây có thể là dấu hiệu đã mắc Covid-19.
Chính phủ Singapore cũng đã chấm dứt công bố thông tin chi tiết các ca mắc Covid-19. Trước đây, thông tin về từng ca bệnh đều được công bố, gồm cả độ tuổi và lịch trình di chuyển.
Việc thực sự chuyển đổi sang "chung sống với Covid-19" sẽ giúp kích thích nền kinh tế sau mức giảm kỷ lục 5,4% của năm ngoái.
Dỡ bỏ các hạn chế sẽ mang lại cơ hội cho ngành dịch vụ thực phẩm, tổ chức sự kiện, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quy định hạn chế số lượng khách hàng.
Singapore sẽ sớm bước sang giai đoạn chung sống với Covid-19. Ảnh: Getty. |
Nhưng khi các nước láng giềng như Indonesia, Malaysia, Thái Lan tiếp tục chứng kiến dịch bệnh lan rộng, việc nối lại hoạt động du lịch giống như thời kỳ trước đại dịch sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Điều này đồng nghĩa ngành giao thông và du lịch của Singapore sẽ còn tiếp tục chịu thiệt hại.
Lúc này, một trong các nỗi lo của Singapore là tỷ lệ tiêm chủng thấp của nhóm người cao tuổi, dù đây là nhóm ưu tiên.
Bộ trưởng Y tế Ong cho biết số người đã tiêm hoặc đặt lịch tiêm mũi đầu tiên của nhóm trên 70 tuổi là 71%, thấp nhất trong số các nhóm đủ điều kiện tiêm chủng.
"Điều chúng ta thực sự cần làm là tiêm chủng cho thêm nhiều người cao tuổi. Vấn đề không phải là việc họ từ chối tiêm bởi an toàn khi không ra ngoài. Khi xã hội mở cửa lại, các thành viên trong gia đình có thể mang virus về nhà", ông Ong cho biết.
Chính phủ Singapore kỳ vọng sẽ hoàn thành tiêm đủ liều vaccine cho 2/3 dân số vào đầu tháng 8, nhân kỷ niệm ngày quốc khánh 9/8.
Trong bài phát biểu trước quốc dân dự kiến diễn ra ngày 22/8, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ thông báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 và tương lai đất nước tới toàn thể người dân Singapore.