Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cột điện gãy làm gián đoạn sản xuất, ai chịu trách nhiệm?

Chuyên gia pháp lý cho rằng nếu có cơ sở chứng minh cột điện bị gãy do vận hành, quản lý hoặc chất lượng không đảm bảo, ngành điện lực phải bồi thường người bị thiệt hại.

616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng khi bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Riêng tại Thừa Thiên - Huế, 272 cột điện bị gãy khiến đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Nhiều người quan tâm đến trách nhiệm của ngành điện lực khi cột điện được thiết kế chịu được gió giật trên cấp 12 nhưng đã gãy, đổ khi bão đổ bộ với sức gió cấp 8-9, giật cấp 11.

Doanh nghiệp thiệt hại nghiêm trọng

5 ngày qua, khu công nghiệp Tứ Hạ ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị mất điện. Các doanh nghiệp ở đây điêu đứng vì không có điện phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hàng trăm công nhân đang phải nghỉ làm. Cuộc sống của họ vốn khó khăn trong đợt dịch Covid-19, nay lại càng chật vật.

Ông Nguyễn Xuân Tịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Da giày Thừa Thiên - Huế, cho biết chỉ tính 4 ngày không có điện sau khi bão đổ bộ, công ty thiệt hại hàng tỷ đồng.

“Chúng tôi đã liên lạc nhiều lần với chi nhánh Điện lực Hương Trà nhưng họ chỉ hứa qua loa, không chắc chắn lúc nào có điện. Nhiều đơn hàng xuất khẩu phải dừng sản xuất khiến công ty thiệt hại nghiêm trọng”, ông Tịnh nói.

Doanh nghiep o Thua Thien - Hue dieu dung vi mat dien anh 1

Mất điện nên việc sản xuất của Công ty CP Da giày Thừa Thiên - Huế bị ngưng trệ. Ảnh: Điền Quang.

Ông Tịnh mong muốn địa phương bố trí nguồn điện dự phòng cho khu công nghiệp Tứ Hạ trong trường hợp thiên tai. “Việc bị động chờ điện như bây giờ khiến doanh nghiệp gánh chịu nhiều thiệt hại vì không sản xuất được”, ông Tịnh nói thêm.

Cùng lo lắng, lãnh đạo Công ty gạch Tuynel Tứ Hạ cho biết sự cố điện buộc nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Hàng trăm công nhân nghỉ làm nhiều ngày qua.

“Chúng tôi phải cho chạy máy phát điện để duy trì hoạt động lò đốt. Nếu lò bị tắt lửa thì việc khởi động lại sẽ gây tốn kém", lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay.

"Chúng tôi biết sự cố do bão là trường hợp bất khả kháng nhưng ngành điện phải có biện pháp khắc phục nhanh và có thông báo cụ thể để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Tứ Hạ nói.

Ai chịu trách nhiệm?

Người dân, doanh nghiệp chậm đóng tiền thì bị công ty điện lực cắt điện. Nhưng bão đã qua 4 ngày, ngành điện chưa khôi phục xong sự cố để cấp điện phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này không mới nhưng nó vẫn chưa được xem xét thấu đáo, dù trong hợp đồng kinh tế và luật đều quy định rõ ràng.

Luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN) nêu những bất hợp lý trên và cho biết để xảy ra tình trạng mất điện thuộc trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên.

Doanh nghiep o Thua Thien - Hue dieu dung vi mat dien anh 2

Công nhân khắc phục sự cố lưới điện tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa hệ thống truyền tải điện là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong hệ thống tải điện gồm cột, trụ, dây dẫn điện...

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp xảy ra thiệt hại thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại.

Trở lại vụ hàng trăm cột điện bị gãy, chuyên gia pháp lý này cho rằng cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để đánh giá thiệt hại tài sản của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

"Nếu cơ quan chức năng xác định việc hàng trăm trụ điện bị gãy là do công ty điện lực vận hành, sử dụng không đúng quy định, gây thiệt hại thì đơn vị này phải bồi thường", luật sư Việt nhận định.

Trường hợp công ty điện lực đã áp dụng tất cả biện pháp phòng, chống cần thiết nhưng cột điện vẫn gãy thì đơn vị này không phải bồi thường. "Các cột điện đảm bảo chất lượng, việc thi công đúng quy trình nhưng bão số 5 làm hư hỏng thì đây được xem là trường hợp bất khả kháng. Như vậy, công ty điện lực không phải bồi thường", luật sư Việt nói.

Nếu có cơ sở chứng minh cột điện bị gãy là do chất lượng không đảm bảo thì theo Khoản 3, Điều 601 và Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân hoặc doanh nghiệp bị thiệt hại.

Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, cột điện được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được hội đồng chuyên môn kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.

Ngày 22/9, Tổng công ty Điện lực miền Trung thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải khi bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế khiến nhiều cây xanh bật gốc. Những cây này đổ vào đường dây điện, cột điện, tạo nên lực tác động kép bất thường quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây… Ngoài ra, một số vị trí nằm ngoài khu dân cư có gió giật mạnh làm đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy, đổ cột.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo tạm dừng sử dụng loại cột này để kiểm tra chất lượng.

Đại diện EVN giải thích vì sao hàng trăm cột điện bị gãy

Gió bão khiến cây xanh bật gốc đổ vào cột điện tạo nên lực tác động kép bất thường. Điều này làm quá khả năng chịu đựng của kết cấu dây, cột, xà sứ… dẫn đến hư hỏng trụ điện.

Cận cảnh cột điện bị gãy ở Huế

Hàng trăm cột điện ở Thừa Thiên - Huế được thiết kế để chịu đựng gió giật trên cấp 12 nhưng đã gãy đổ khi bão số 5 đổ bộ.

Đoàn Nguyên - Điền Quang

Bạn có thể quan tâm