Giải Chấn Hoa, đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc và Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman tại hội nghị COP27. Ảnh: AP. |
Theo AP, hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP27 đã kết thúc vào hôm 19/11 với việc các quốc gia phát triển đồng ý thành lập một quỹ chi trả cho những thiệt hại mà các quốc gia nghèo hơn phải hứng chịu vì tình trạng biến đổi khí hậu.
Đối với những nước đang phát triển, nguồn ngân sách từ các quốc gia giàu có được coi như một khoản bồi thường do các nước này chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia nghèo hơn phải chịu phần lớn hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
"Sau 3 thập kỷ, chúng ta cuối cùng cũng tìm được công lý về biến đổi khí hậu. Chúng ta đã đáp lại lời kêu gọi yêu cầu được bồi thường từ hàng trăm triệu người dân đã phải chịu đau thương và mất mát vì tình trạng biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Tài chính Tuvalu, ông Seve Paeniu, cho biết.
Tuy đạt được mục tiêu thành lập quỹ hỗ trợ đề bù thiệt hại từ biến đổi khí hậu cho các quốc gia đang phát triển, thỏa thuận được thông qua vào hôm 19/11 không đề cập đến những vấn đề thiết yếu nhưng gây tranh cãi khác như đặt ra mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, hay đặt ra mức tăng nhiệt độ trung bình tối đa.
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng không đề cập đến việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, một trong những nhân tố gây phát thải khí nhà kính chính trên toàn cầu.
Tuy thành lập được quỹ hỗ trợ thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu cho các quốc gia đang phát triển, hội nghị COP đã bỏ qua nhiều vấn đề quan trọng khác như đặt mục tiêu giảm phát thải hay giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: AP. |
Nói về thỏa thuận vào hôm 19/11, Phó chủ tịch Liên minh châu Âu Frans Timmermans đã tỏ rõ sự thất vọng.
"Những gì chúng ta thông qua không phải là một bước tiến của nhân loại trong việc bảo vệ hành tinh này. Thỏa thuận không buộc các quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn phải tăng tốc quá trình giảm phát thải hay đặt ra những mục tiêu chống biến đổi khí hậu tham vọng hơn", ông Timmermans cho biết.
"Chúng ta đáng nhẽ phải làm được nhiều hơn nữa", ông bổ sung.
"Tôi cảm thấy không hài lòng khi những biện pháp giảm phát thải nhà kính, đáng nhẽ phải được thực hiện từ lâu, và vấn đề giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch bị các quốc gia có lượng phát thải lớn nhất thế giới ngăn chặn tại hội nghị", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết.