Những chia sẻ của anh cho thấy phần nào về con người, đam mê và tham vọng của anh đối với ngành logistics tại Việt Nam.
Không bao giờ nói không với thử thách
- Điều hành mảng dịch vụ hậu cần của một doanh nghiệp lớn như Lazada ở độ tuổi còn khá trẻ, đâu là lợi thế, đâu là thử thách với anh?
- Tôi bắt đầu làm việc cho Lazada từ những ngày đầu thành lập năm 2012. Tất cả quy trình công ty đang chạy đều từng được tôi quản lý ở những vị trí trước đó. Vì thế, tôi hiểu sâu sắc từng bước vận hành của từng mảng.
Tôi may mắn vì có một đội ngũ nhân viên thấu hiểu và tôn trọng mình, làm việc dựa trên kiến thức và kinh nghiệm chứ không phải độ tuổi. Tuy nhiên, lợi thế không phải tất cả. Tôi đọc khá nhiều sách và tham gia những khóa học để trở thành một lãnh đạo tốt, vận hành một đội ngũ tốt. Tôi làm việc cật lực 12-14 tiếng/ngày nhưng không thấy nặng nề, bởi tôi thật sự yêu thích công việc này.
Fabian Wandt - COO của Lazada. |
Lazada là môi trường làm việc mở. Đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn tôi tại Đông Nam Á đã trở thành những người thầy tốt. Mỗi khi gặp phải vấn đề không chắc chắn cách giải quyết, tôi không ngại xin lời khuyên. Ngoài ra, ông Gerald Clauerdt - giám đốc điều hành cũ - đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu tôi mới về Lazada. Ông đào tạo tôi suốt 5 năm để tôi có thể đảm nhận vị trí này.
- Khi gặp những thử thách trong công việc, anh giải quyết chúng thế nào?
- Tôi luôn tìm hiểu cội rễ của vấn đề, tìm nguyên nhân, tìm hướng giải quyết, thảo luận với các đồng nghiệp. Chúng tôi là một đội và có cùng mục tiêu. Vì vậy vấn đề sẽ được giải quyết nhanh hơn. Quan điểm của tôi trong công việc là không bao giờ nói không với thử thách.
Tham vọng phát triển logistics Việt
- Với kinh nghiệm nhiều năm, anh nhận xét gì về tốc độ phát triển của ngành này tại Việt Nam so với các nước trong khu vực?
- Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Vietnam (VLBA), ngành logistics chiếm 20-25% GDP cả nước, với tốc độ phát triển 12%/năm, trong một ngành kinh doanh trị giá 632 tỷ USD từ đây đến 2020. Tốc độ phát triển của dịch vụ logistic tại Việt Nam lên đến 200% so với trước đây.
Dù vậy, chúng tôi mới đang ở giai đoạn đầu, bởi thương mại điện tử mới chỉ chiếm 0,6% thị phần bán lẻ toàn quốc (số liệu năm 2015). Trong khi đó ở Trung Quốc, mua sắm qua mạng đã chiếm 15,9% thị phần. Đó là cái đích chúng tôi hướng tới. Có thể sẽ mất vài năm, nhưng chúng tôi nhận thấy sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam nhanh hơn một số thị trường khác nhờ dân số trẻ và GDP đầu người ngày càng tăng.
- Nhanh hơn cả Thái Lan - thị trường đang được đánh giá là sẽ dẫn đầu Đông Nam Á về logistics?
- Việt Nam có tiềm năng vô tận và trong tương lai hoàn toàn có thể thay thế tất cả quốc gia Đông Nam Á khác trong lĩnh vực này. Dịch vụ hậu cần của thương mại điện tử dựa nhiều vào cơ sở hạ tầng, các điều luật và các quy trình. Khai thác hết tiềm năng của thị trường Việt Nam đòi hỏi sự tập trung cao độ của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính phủ.
Trong vài năm qua, tôi đã chứng kiến sự phát triển của lĩnh vực này theo chiều hướng đúng đắn. Tuy nhiên nếu như có cơ hội được thảo luận cụ thể cùng chính phủ, chúng tôi sẽ đặt ra những mục tiêu ưu tiên để thúc đẩy hơn nữa việc khai phá tiềm năng của dịch vụ hậu cần trong thương mại điện tử tại Việt Nam.
- Một trong những lý do khiến nhiều công ty thương mại điện tử bỏ cuộc là không chịu nổi chi phí logistics. Lazada đã làm gì để cân bằng chi phí và lợi nhuận tại Việt Nam?
- Chúng tôi đang trong giai đoạn đầu tư. Một dự án kinh doanh trực tuyến có thể thành công và đem lại lợi nhuận đòi hỏi nhiều nỗ lực cải tiến hệ thống đặt hàng, vận chuyển đường dài và cắt giảm chi phí vận hành.
Lazada sử dụng những nền tảng phân tích xu hướng mua sắm để quản lý chính xác lượng hàng hóa cần nhập và thời điểm nhập, đồng thời chia sẻ những thông tin đó với đối tác. Càng dự đoán chính xác số lượng hàng cần thiết và yêu cầu thời gian vận chuyển từ khách hàng, chúng tôi càng cắt giảm được nhiều chi phí.
Theo Fabian Wandt, Việt Nam có tiềm năng vô tận trong lĩnh vực logistics. |
- Anh có vẻ rất tâm huyết với ngành dịch vụ logistics?
- Đúng vậy. Ngay từ nhỏ tôi đã đam mê quản lý hậu cần, giao nhận, vận chuyển. Tôi nhận thấy chính những chiếc xe tải, máy bay chở hàng, container ở cảng hay những công ty giao nhận quốc tế đã giúp kết nối thế giới với nhau.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp trung học tôi có cơ hội được làm việc trong khâu giao nhận quốc tế ở sân bay Frankfurt. Tôi nhìn thấy hàng tỷ mặt hàng từ những chiếc xe hơi đắt đỏ được chuyển tới Dubai, cho đến hươu cao cổ hay voi được chuyển tới Đức. Kể từ đó, tôi quyết tâm học ngành logistics để trở thành một trong những người "kết nối thế giới".
- Anh có thể chia sẻ kế hoạch sắp tới của mình? Anh có lời khuyên nào dành cho người trẻ hiện nay không?
- Mỗi ngày qua đi, chúng tôi lại đến gần hơn với mục tiêu mở rộng thị trường của Lazada: làm cho mỗi người sống tại Việt Nam có được trải nghiệm hài lòng khi mua sắm trực tuyến. Kế hoạch tương lai của tôi là tiếp tục hỗ trợ nền thương mại điện tử tại đây vươn lên dẫn đầu thị trường Đông Nam Á.
Với các bạn trẻ, hãy tin tưởng vào giấc mơ của bạn và nỗ lực hết mình cho giấc mơ đó. Đừng bao giờ chấp nhận câu trả lời "không" với một thử thách mới. Nếu như bạn tin tưởng vào điều gì đó, bạn chắc chắn sẽ đạt được nó.