Vinh chọn năm 2014 cũng là có lý do, bởi đây cũng là năm thứ 10, Vinh đá ở V.League, cũng là năm thứ 10 Công Vinh “ăn cơm” đội tuyển.
Thủy Tiên - Công Vinh. |
Thấm thoắt 10 năm Công Vinh "ăn cơm tuyển"
Nhiều người còn nhớ hình ảnh rất đẹp trước SEA Games 22 năm 2003 diễn ra ở Việt Nam: Công Vinh và Văn Quyến ôm vai nhau, mắt ngời sáng như những thiên thần. Đó là hai niềm tự hào của bóng đá xứ Nghệ. Họ là hai cách chơi bóng, hai cách tư duy về nghề, nói như nhiều người ở Vinh: “Quyến bẩm sinh -Vinh khổ luyện”. Còn ông Hồng Thanh -Tổng giám đốc SLNA - thì nói: “Thằng Quyến nó lãng tử từ bé, thằng Vinh thì chỉn chu, chuyên nghiệp”. Quyến lãng tử quá và ngã, cú ngã quá đau ở đất Philippines để rồi đánh rơi luôn sự nghiệp.
Vinh không được đánh giá cao như Văn Quyến. Bản thân Vinh cũng cảm thấy điều đó và để bằng Quyến, anh chỉ còn cách khổ luyện. Thật ra, nhiều ông thầy thích dùng Văn Quyến, thích cái cách anh phá nát hàng phòng ngự đối phương bằng kiểu đi bóng lắt léo và những cú sút cực dị. Thế nhưng, khi cần niềm tin, nhiều ông thầy chọn Công Vinh. Bởi thế năm 2004, khi lần đầu Công Vinh được Tavares gọi lên tuyển, anh được chọn đá cùng Huỳnh Đức, chứ không phải Quyến.
Và Vinh thành công. Nghĩ cho cùng, con đường sự nghiệp của Vinh cũng chẳng bằng phẳng gì, thậm chí Vinh còn luôn mang nặng những nỗi mặc cảm mà hầu như anh không chia sẻ.
Tôi còn nhớ một buổi chiều mùa đông năm 2007, trước khi đội U23 Việt Nam sang Thái Lan dự SEA Games 25, tôi với Vinh ngồi ở căng-tin Trung tâm huấn luyện TTQG Nhổn. Vinh gọi một chai cô-ca, còn tôi gọi một món “đặc sản Nhổn” khi đó là nước khoáng mặn thêm đường và vắt... quất. Vì hẹn trước, Vinh đưa cho tôi một tập ảnh chụp từ hồi bé, thế rồi Vinh kể từng lai lịch tấm ảnh. Một phần đời giấu kín của Vinh bắt đầu hé lộ, Vinh khóc. Đó là câu chuyện về người mẹ của Công Vinh, từng làm văn công Quân khu 4, nhưng vì hoàn cảnh gia đình phải phóng chiếc xe win xuyên những nẻo đường rừng để buôn đá đỏ. Còn bố Công Vinh, cũng vì mưu sinh trót nhận lời vận chuyển ma túy để rồi nhận án tù 8 năm. Đó cũng là chuyện Vinh đã gần như phát điên thế nào khi stress và nhận thấy mình không thể tiến bộ và đáp ứng yêu cầu của HLV…
Loạt bài “Tuổi thơ dữ dội của Công Vinh” ra đời, số đầu tiên là bức ảnh lớn trên trang nhất: Công Vinh và chuyện người cha đi tù vì buôn ma túy. Lần đầu tiên, người hâm mộ biết chuyện này về Công Vinh dù lúc ấy anh đã thành danh. Sau loạt bài dài 6 kỳ ấy lên báo, tôi gặp Công Vinh ở Korat, Vinh nói: “Thật ra em cũng sốc khi nhìn cái bìa báo ấy. Rất buồn, nhưng không sao, bởi vì đó là sự thật”. Đó là lúc mà tôi cảm nhận rõ nhất điều mà người ta nói về Công Vinh: Nghị lực.
Điều lạ là Vinh cứ âm thầm dần dần vượt qua những cột mốc của mình, không quá ầm ĩ, phô trương. 10 năm chơi bóng chuyên nghiệp (nếu tính từ mốc bắt đầu lên SLNA và tuyển), người ta sẽ khó tin những điều Vinh đã làm được: Công Vinh là cầu thủ V.League đầu tiên vượt qua mốc 100 bàn ở V.League; nếu như không bị loại ở AFF Cup 2010 vì chấn thương, Công Vinh đã có kỷ lục rất khó phá là 6 lần liên tiếp dự AFF Cup. Nhưng với 5 lần có mặt là Tiger Cup 2004, AFF Cup 2007, AFF Cup 2008, AFF Cup 2012 và AFF Cup 2014, Công Vinh đã sánh ngang với đàn anh Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Minh Phương. Vinh thiệt thòi ở chỗ, tại Việt Nam không có cơ quan nào thống kê chính xác số lần khoác áo đội tuyển, nhưng với 10 năm tròn, Công Vinh sẽ không “ngại” đối thủ nào… Đôi khi lại là những “kỷ lục” khác khiến nhiều người ghen tị, đó là kỷ lục về chuyển nhượng với con số 30 tỷ đồng qua các lần chuyển CLB.
Nhưng Vinh có bao nhiêu người yêu thì cũng có bấy nhiêu người ghét. Người ghét Vinh bởi những điều rất… không đâu. Chẳng hạn, những người trót yêu Văn Quyến khi cầu thủ này dính vào lao lý thì ghét lây Công Vinh, ghét vì thấy Vinh... khéo quá(!?), ghét vì yêu... Thủy Tiên, ghét vì không hiểu vì sao ghét.
Vì thế khi Vinh ngã, nhiều người sẵn sàng đạp anh thêm mấy phát nữa. Vụ quỳ lạy trọng tài đầu năm 2009 trên sân Cao Lãnh, cũng chẳng đến mức quá ghê gớm nhưng lúc ấy áp lực dư luận kinh khủng. Vinh (không hiểu ai xui) nói dỗi “sẽ giải nghệ” thế là thêm một lần "nhặt đá" dư luận. Cho đến khi Vinh hết án treo giò vì tội “quỳ lạy” trọng tài Bảo Linh thì anh dính chấn thương rất nặng, tới mức suýt giải nghệ. Không ít người hả hê. Vinh sang Bồ Đào Nha chữa trị và thật may mắn, Vinh đã trở lại với bóng đá.
Chuyện Vinh bỏ bầu Hiển sang với bầu Kiên cũng để lại nhiều điều tiếng rằng, anh đã “lật kèo” bầu Hiển - người từng cưu mang anh, dùng tiền đưa anh sang Bồ chữa trị. Rồi AFF Cup 2012, Vinh tịt ngòi, đội tuyển thua tan nát. Khi đội trở về, một ông Phó chủ tịch VFF chỉ thiếu nước chỉ thẳng vào mặt Công Vinh nói rằng thái độ thi đấu của anh là phá đội. Vị quan chức ấy, nửa kín nửa hở cho rằng: “Sẽ có người phải rời tuyển vĩnh viễn”. Giới làm thể thao thừa hiểu ông kia nói Công Vinh.
Nhưng cũng như những lần trước, Vinh lại đứng được lên và đứng vững…
Trước AFF Cup 2014, một câu hỏi dấy lên: “Phải chăng đây sẽ là AFF cuối cùng của Vinh?”. Thật khó trả lời. Tuổi tác không tha bất kỳ ai. Năm nay, Vinh đã 29 tuổi không phải là quá già. Nhưng có lẽ khát vọng của Vinh ở tuyển không còn nhiều, chí ít là không nhiều như cách đây 10 năm, Vinh bẽn lẽn lên tuyển và trở thành thành viên bé nhất đội. Giờ, anh và Tấn Tài chính thức là những bậc đàn anh…
Đám cưới đầu tiên cho “Chàng trai tháng 12”
Gần đây, trong một chương trình truyền hình, Vinh có tiết lộ rằng: Việc anh rời HN T&T liên quan đến một điều khoản cực kỳ quái chiêu trong phụ lục hợp đồng, đó là phải “xem xét lại quan hệ với bạn gái”. Nói trắng ra là “điều khoản phải chia tay Thủy Tiên”. Tại sao Thủy Tiên lại liên quan đến chuyện này? Thực ra cũng là nghe nói, một số lời đồn từ HN T&T rò rỉ ra là Thủy Tiên chỉ mang lại… vận đen cho Vinh và cho cả đội bóng.
Bóng đá là cả một thế giới đầy rẫy những mê tín. Nhưng với Vinh, Thủy Tiên nhất định không phải là vận đen. Ngược lại, Thủy Tiên chính là điều may mắn nhất mà cuộc đời dành cho Công Vinh.
Lúc đầu, khi họ quen và công khai đi lại với nhau, thiên hạ đồn: “Bọn này mượn tên tuổi của nhau để thổi nhau lên đây”, “rồi xem có được ba bảy hăm mốt ngày không”. Tới mức, chuyện Tiên dẫn Vinh về nhà làm bánh tét cũng bị cho là để PR cho cả hai, tương tự là chuyện Vinh cùng Tiên đi xây một cây cầu nhỏ ở trong rừng U Minh giúp bà con đi lại dễ dàng hơn, chuyện phát gạo cũng lời ra tiếng vào…
Công Vinh -Thủy Tiên từng được nhiều người ví là cặp Becks-Vic (vợ chồng D.Beckham) của Việt Nam, nhưng phần lớn theo ý mỉa mai. Cả Thủy Tiên và Công Vinh chọn giải pháp không ồn ào, không thanh minh giải thích.
Họ “âm thầm” sinh một bé gái và đặt tên là Bánh Gạo. Ngoại trừ một số bạn bè thân, gần như tuyệt đối Công Vinh, Thủy Tiên giấu hình ảnh của con mình. Vinh từng chia sẻ rằng: “Tôi và vợ cũng muốn khoe con, cũng muốn để cho mọi người biết mình yêu con thế nào, nhưng rồi cũng nghĩ, thị phi bố mẹ gánh là đủ rồi, không cần thêm con vào nữa…".
Và cho đến bây giờ, họ quyết định đám cưới. Sáu năm trước, khi Công Vinh ghi bàn bằng cú đánh đầu vào lưới Thái Lan để mang về chức vô địch AFF Cup, Thủy Tiên đã sáng tác bài “Chàng trai tháng 12” để tặng Công Vinh.
Tháng 12 là tháng mà Công Vinh tổ chức sinh nhật (10/12), tháng 12 là tháng Vinh đi vào lịch sử bóng đá Việt với bàn thắng đêm 28/12 ở Mỹ Đình. Bài “Chàng trai tháng 12” của Thủy Tiên viết: "Mưa rơi thật êm trên đường phố vắng/Anh đi cùng em đêm thật yên lặng/Con tim của em như là muốn nói/Oh baby, Oh kiss me, Oh la la la là/Anh yêu có biết từng đêm xuống một mình em nhớ lắm/Từng làn hơi ấm từng ánh mắt anh trông thật vội vàng/ Đêm em thức giấc chỉ mong có một bàn tay ấm áp/Người đến bên, từng chiếc hôn/Cho tim em gần hơn cho môi hôn gần hơn/Cho ai kia và em được sát bên nhau/Cho con tim gần hơn/Cho con tim gần hơn/Người đến khuất lấp những nỗi trống vắng cuộc sống một mình em nhớ lắm...
Và tháng 12 của năm 2014, họ cưới nhau - lễ cưới đầu tiên. Còn Công Vinh, anh đã tuyên bố “sẽ cùng đồng đội đoạt chức vô địch AFF Cup 2014 để làm quà cưới cho Thủy Tiên”.
Với Vinh, AFF Cup này, có lẽ là giải AFF Cup cuối cùng…