Cách đây hơn 10 năm, vào buổi tối 28/12/2008, người hâm mộ cả nước Việt Nam vỡ òa với bàn thắng ghi vào phút bù giờ thứ 4 của tiền đạo Lê Công Vinh trong trận chung kết lượt về AFF Cup giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan. Bàn thắng “vàng” này đã giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu giành chức vô địch một giải đấu tầm khu vực.
Cú đánh đầu ghi bàn thắng quyết định của Công Vinh, đem về chức vô địch AFF Cup 2008 cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đó, trong trận chung kết lượt đi diễn ra trên sân vận động Rajamangala, thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 24/12/2008, đội tuyển Việt Nam đã gây bất ngờ khi hạ gục đội chủ nhà với tỷ số 2-1. Đội tuyển Việt Nam dẫn trước 2 bàn trong hiệp 1, do công của Vũ Phong và Công Vinh. Đội bạn gỡ lại một bàn ở hiệp 2, do công của Ronnachai.
Tiền đạo Lê Công Vinh kể rất chi tiết những diễn biến của trận đấu này trong cuốn tự truyện Phút 89 của anh (tác giả Trần Minh chấp bút, Phương Nam Book và NXB Thế giới phát hành).
Được sự đồng ý của Phương Nam Book, Zing trích đăng một phần cuốn tự truyện của Lê Công Vinh kể về diễn biến hai trận chung kết đáng nhớ này:
Từ Singapore, chúng tôi đáp chuyến bay sang Thái Lan, khi Giáng sinh đã cận kề. Ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF khi ấy, có sang thăm và phát vài trăm đô tiền lì xì cho các anh em. HLV Calisto trong một buổi họp đội đã nói:
Cuốn tự truyện 'Phút 89' của Lê Công Vinh nói về bóng đá, tình yêu, tình bạn của tiền đạo nổi tiếng này. |
Đấy là một trận đấu vừa hay lại vừa may. Dương Hồng Sơn, trong giải đấu để đời của anh, đã cản phá không biết bao nhiêu pha dứt điểm của Thái. Chiều ngược lại, cứ Việt Nam phản công là Thái choáng váng. Lúc này, lối đá của Việt Nam đã đạt đến mức độ nhuần nhuyễn, các cầu thủ hiểu nhau và hầu như ai cũng đạt điểm rơi phong độ. Sau khi Vũ Phong mở tỷ số từ một quả đánh đầu, tôi chính là người nhân đôi cách biệt.
Ngày 28/12/2008, chúng tôi bước vào sân cùng một sứ mệnh: không để cho cơ thể của đội tuyển Việt Nam phải mang thêm một vết sẹo nào nữa. Điều lệ của AFF Cup 2008 thật quái đản. Đã chung kết lại còn có lượt đi, lượt về. Và đã cất công đá hai lượt, nhưng lại không có luật bàn thắng sân khách. Nghĩa là nếu Thái Lan ghi một bàn, xem như mọi thứ sẽ trở lại vạch xuất phát. Như vậy để trận đấu không bị kéo vào hiệp phụ và loạt sút luân lưu, chúng tôi ít nhất phải hòa.
Khoảnh khắc bóng lăn vào lưới Thái Lan sau cú đánh đầu ngược của Công Vinh. Ảnh: Hoàng Hà. |
19h trận chung kết mới diễn ra, nhưng sân Mỹ Đình có sức chứa 40.000 người đã được lấp kín từ trước đó một tiếng. Bầu không khí trong sân hầm hập nóng, bất chấp giá rét của ngày đông Hà Nội. Hòa Thái Lan, dù đá trên sân nhà, tất nhiên cũng là một nhiệm vụ gian khó. Một lần nữa, Calisto phát cho những cầu thủ ra sân một lá cờ tổ quốc thu nhỏ. Ông bảo hãy nhét nó vào người, để biết tổ quốc luôn bên mình, để biết sứ mệnh thiêng liêng của mỗi cầu thủ.
Mỗi trận đấu đều chỉ có 90 phút, nhưng đây có lẽ là trận đấu dài nhất lịch sử. Bởi Thái Lan liên tục dồn ép và Việt Nam luôn phải chống trả vất vả. Mọi thứ càng khó khăn sau khi Teerasil Dangda mở tỷ số ngay phút thứ 21. Thế trận căng như dây đàn bởi lúc này, ai cũng sợ thua thêm một bàn.
Thái rất mạnh, nhưng họ hiểu rõ chúng tôi có thể phản công lợi hại như thế nào. Trận đấu cứ thế mà trôi đến phút bù giờ thứ 4, phút bù giờ cuối cùng của trận đấu thì tôi mang về một quả đá phạt chếch bên cánh trái.
Càng nghĩ lại, mới càng thấm thía vì sao người ta lại gọi Calisto là "phù thủy". Bởi vì ông luôn có những toan tính ít ai hiểu, nhưng lại vô cùng hiệu nghiệm. Trận bán kết lượt về với Singapore, ông tung Quang Hải vào sân để Hải "gà" ghi bàn duy nhất mang Việt Nam vào chung kết. Đến trận chung kết lượt về với Thái Lan, ông giữ Minh Phương trên ghế dự bị đến tận phút thứ 60 mới tung vào thay Minh Châu.
Đội tuyển Việt Nam ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2008. Ảnh: Bongdaplus. |
Và Minh Phương chính là người thực hiện quả sút phạt lịch sử ấy. Tôi cố di chuyển về cột dọc gần để lôi kéo, vì nghĩ Minh Phương sẽ đá về cột xa. Nhưng bóng đi đến vị trí của tôi, dù cảm nhận rõ một cái đẩy nhẹ, tôi vẫn cố bật lên để chạm đầu vào bóng. Phần còn lại, như báo chí vẫn hay nói, đã trở thành lịch sử.
Sân Mỹ Đình nổ tung, tôi cởi phăng chiếc áo đang mặc rồi chạy điên cuồng ra đường biên, trong khoảnh khắc hạnh phúc nhất trên đời. Không bao giờ tôi đánh đổi cảm giác ấy với bất kỳ thứ gì khác. Vỡ òa, nhẹ nhõm, sung sướng, mãn nguyện, tất cả hòa vào làm một. Cả một giải tôi chỉ ghi có hai bàn, và đấy là hai bàn ở hai trận chung kết.
Làm sao tri ân hết được người thầy tuyệt vời đã ở cạnh mình, các đồng đội đã sát cánh ở những trận cầu sinh tử và những CĐV cuồng nhiệt kia. Họ là những người khó tính nhất, nhưng cũng là đáng yêu nhất.
Tôi cứ chạy đi, mặc kệ đôi chân đưa mình đến đâu thì đến. Phải mất một hồi, tôi mới hoàn hồn trở lại sân bóng để trận đấu có thể khởi đầu lại. Tôi cuống cuồng tìm chiếc áo đã lỡ tay văng đi đâu mất. Một đồng đội đưa tôi chiếc áo phụ, nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Tôi chưa kịp mặc áo vào thì trọng tài đã thổi còi kết thúc trận đấu.
Tôi chưa bao giờ nghe tiếng còi nào... đáng yêu đến thế.