Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công việc cướp nhiều sinh mạng hơn chiến tranh

Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo nguy cơ tử vong vì bệnh và tai nạn của người lao động ở nơi làm việc cao hơn nhiều so với binh sĩ chiến đấu trên sa trường.

Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đoạt mạng hàng triệu người trên khắp hành tinh mỗi năm. Ảnh: AP

Nhiều người nghĩ ra sa trường là một trong những việc nguy hiểm nhất trên trái đất, song có lẽ ngày nay suy nghĩ ấy không còn đúng. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tuyên bố nguy cơ chết vì công việc cao hơn so với chiến đấu để bảo vệ đất nước trên trận địa.

Ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, công bố thực tế đáng lo ngại trước đại biểu của 141 nước tại Đại hội Thế giới lần thứ 20 tại thành phố Frankfurt, Đức hôm 31/8. Đại hội là sự kiện lớn nhất thế giới về an toàn lao động.

“Chúng ta đang đối mặt với một thách thức nan giải. Công việc đoạt mạng nhiều người trên hành tinh hơn chiến tranh. Khoảng 2,3 triệu người lao động chết mỗi năm vì tai nạn và bệnh liên quan tới công việc”, trang web của ILO dẫn lời ông Ryder.

Ryder tin rằng dư luận nên chú ý hơn tới những cái chết liên quan tới công việc.

“Sốt xuất huyết Ebola và những thảm kịch mà nó gây nên đang trở thành đề tài nóng hổi hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là điều đúng đắn. Song những trường hợp mất mạng vì công việc lại không được chú ý như vậy. Vì thế, nhiệm vụ cấp bách là tạo ra văn hóa ý thức về hiểm họa trong công việc”, ông lập luận.

Mặc dù sức khỏe và sự an toàn của người lao động tại nơi làm việc đang cải thiện, thực tế đó không diễn ra trên toàn thế giới. Trong năm 2013, hơn 1.100 người chết trong một nhà máy dệt ở Bangladesh sau khi nhà máy sập. Ryder tin rằng buộc người lao động làm việc trong những điều kiện tồi tệ là điều không thể chấp nhận. 

Tổng giám đốc ILO nói tổng thiệt hại do bệnh và tai nạn liên quan tới công việc lên tới 2,8 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động đầu tư vào các biện pháp bảo đảm an toàn và bảo hiểm lao động.

ILO là một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc và ra đời vào năm 1919. Trụ sở của ILO nằm tại Thụy Sĩ.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm