Văn phòng thủ tướng ở Putrajaya, Malaysia bị bao trùm trong khói mù vào đầu tháng 10 do khói từ cháy rừng ở Indonesia lan sang. Ảnh: Reuters |
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Indonesia, ông Badrodin Haiti, cho biết các cá nhân và những công ty Trung Quốc, Malaysia, có thể đã "vi phạm luật cấm đốt rừng", Bloomberg đưa tin ngày 12/10.
Ông Haiti không nêu danh tính cụ thể của các đối tượng đang bị điều tra. Mức hình phạt tối đa cho hành động gây ô nhiễm môi trường này là 10 tỷ rupiah Indonesia (khoảng 743.000 USD).
Indonesia có một số luật quy định rõ cấm đốt rừng. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo do hạn chế về nguồn nhân lực, sự chồng chéo giữa các điều luật về đất đai và tình trạng tham nhũng.
"Các công ty này chưa bị trừng phạt thích đáng theo luật, do vậy nạn cháy rừng vẫn diễn ra", ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng điều phối về an ninh, chính trị và luật pháp của Indonesia, cho biết.
Trước đó, hồi tháng 9, chính quyền Indonesia và Singapore từng công bố tên một số doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm cho những đám cháy rừng lớn ở đảo Sumatra và Borneo. Ít nhất 4 công ty sản xuất giấy và dầu cọ đã bị thu hồi giấy phép.
Indonesia cũng đã chấp nhận sự hỗ trợ của các nước như Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Australia để đạt mục tiêu dập tắt những đám cháy trong 2 tuần, từ đó giảm tình trạng ô nhiễm không khí.
Nạn cháy rừng xảy ra suốt từ tháng 9 Indonesia đã gây ra khói mù lan sang Malaysia và Singapore, gây xáo trộn cuộc sống của người dân và hoạt động kinh tế của các quốc gia này.