Viễn cảnh con người đối đầu với trí tuệ nhân tạo (AI) tại một trong những tòa án cấp cao nhất nước Mỹ đang dần trở thành hiện thực, sau khi công ty đứng sau công nghệ này sẵn sàng trả một triệu USD cho bất kỳ luật sự nào nhận lời tham gia vụ kiện.
Cụ thể, CEO Joshua Browder của DoNotPay cho biết cần tìm luật sư đại diện tại tòa cho chương trình máy tính tích hợp AI có tên RobotLawyer trong một vụ kiện ở Tòa án tối cao Mỹ.
Việc luật sư này cần làm chỉ là đeo AirPods và lặp lại trước tòa những gì AI của DoNotPay lập luận.
DoNotPay treo thưởng 1 triệu USD để tìm một luật sư đại diện tại tòa cho chương trình máy tính tích hợp AI có tên RobotLawyer trong vụ kiện ở Tòa án tối cao Mỹ. Ảnh: TechSpot. |
Ý tưởng táo bạo
“DoNotPay sẽ trả cho bất kỳ luật sư hoặc người nào một triệu USD ở vụ kiện sắp tới trước Tòa án tối cao Mỹ. Việc cần làm chỉ là đeo AirPods và để luật sư robot của chúng tôi tranh luận về vụ việc bằng cách lặp lại chính xác những gì nó nói", Browder viết trên Twitter.
Theo giải thích của Browder, DoNotPay đang đề xuất ý tưởng lập dị này để chứng minh luật sư AI của họ có thể xử lý các vụ kiện pháp lý phức tạp.
Mặc dù RobotLawyer sắp được dùng tại một phiên tòa ở Mỹ với vai trò là luật sư bào chữa cho thân chủ lái xe quá tốc độ vào tháng 2/2023 sắp tới, Browder vẫn muốn robot tranh luận trước Tòa án Tối cao Mỹ để giải quyết những hoài nghi về khả năng của máy móc.
RobotLawyer sắp được dùng tại một phiên tòa ở Mỹ với vai trò là luật sư bào chữa cho thân chủ vào tháng 2/2023. Vụ kiện liên quan đến mức phạt khi lái xe quá tốc độ. Ảnh: Lucidica. |
“Chúng tôi có một vụ kiện ở tòa án thành phố về giao thông trong tháng tới. Tuy nhiên, một số người cho rằng một vụ kiện về vé phạt tốc độ là quá dễ với AI. Vì vậy, chúng tôi đang đưa ra lời đề nghị nghiêm túc này, tùy thuộc vào việc hai bên có đi đến một thỏa thuận chính thức và tất cả quy tắc được tuân thủ hay không”, Browder nói thêm.
RobotLawyer được phát triển bởi công ty trí tuệ nhân tạo DoNotPay. Được thành lập từ 2015, DoNotPay chuyên cung cấp các giải chatbot giúp các cá nhân tranh cãi, đàm phán với các tổ chức, tập đoàn lớn liên quan đến bất cập trong thu chi, các cuộc gọi tự động làm phiền hay thậm chí là phản đối các biên bản đậu xe trái nơi quy định khách hàng nhận được.
DoNotPay cho biết đa số trường hợp này họ đều có thể giành chiến thắng, nhưng vẫn quyết định thuê công ty tư vấn vì không đủ tiền chi trả đội ngũ pháp luật đắt đỏ hoặc không có thời gian tranh cãi, kiện tụng phức tạp.
Trong thời gian gần đây, DoNotPay đã phát triển thành công một chương trình AI để bào chữa trong các vụ án đơn giản như trên, giúp tiết kiệm thời gian của khách hàng.
Đơn cử như nếu muốn hủy mua một dịch vụ đăng ký hàng tháng nào đó, người dùng có thể dùng chương trình AI để thỏa thuận với nhà cung cấp.
DoNotPay chuyên cung cấp các giải chatbot giúp các cá nhân tranh cãi, đàm phán với các tổ chức, tập đoàn lớn liên quan đến bất cập trong thu chi. Ảnh: DoNotPay. |
Công cụ này cũng có thể đưa ra những giải pháp hợp lý nhất trong trường hợp người phản hồi là máy trả lời tự động.
Đến năm 2023, công ty AI đã có thêm bước tiến mới khi tham gia bào chữa cho thân chủ bị phạt vì lái xe quá tốc độ.
DoNotPay khẳng định rằng mình là công ty đầu tiên có luật sư robot. RobotLawyer sẽ tập hợp tất cả dữ liệu từ các vụ kiện liên quan trong quá khứ để chuẩn bị cho vụ kiện cũng như đối đáp với công tố viên trên tòa.
Tranh cãi về tính hợp pháp
Dù đã có khả năng ra tòa như một luật sư, tranh luận trước Tòa án Tối cao và một vụ kiện vé phạt giao thông rõ ràng là hai điều rất khác nhau.
Từ góc độ công nghệ, thậm chí việc mang AirPods vào Tòa án Tối cao Mỹ đã là một trở ngại chứ chưa đề cập đến việc sử dụng nó để biện hộ.
Theo trang web của tòa án, việc mang bất kỳ thiết bị điện tử nào vào Tòa án Tối cao trong khi phiên tòa đang diễn ra đều bị cấm.
CEO của DoNotPay sau đó nói với Gizmodo vẫn có các quy tắc về việc cho phép miễn trừ chính sách cấm dùng thiết bị điện tử ở tòa án với lý do hợp lý.
Joshua Browder cho biết trước đó từng có một phiên tòa mà bị cáo được phép nghe biện hộ thông qua tai nghe, cho thấy hành vi này vẫn tuân thủ đúng luật pháp.
Ngoài ra, ông Browder cũng làm rõ thêm số tiền 1 triệu USD sẽ là khoản quyên góp cho luật sư và chỉ được thực hiện nếu Tòa án Tối cao Mỹ cho phép.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì trái với quy tắc", CEO của DoNotPay khẳng định.
Hiện Gizmodo đã liên hệ với Tòa án Tối cao Mỹ vào sáng ngày 8/1 để đặt ra câu hỏi liệu luật sư đại diện cho RobotLawyer có được phép hầu tòa với AirPods hay không nhưng chưa nhận được phản hồi nào.
Tòa án Tối cao Mỹ cấm mang bất kỳ thiết bị điện tử nào trong khi phiên tòa đang diễn ra. Ảnh: Istock. |
Phía Browder cho biết ông cũng chưa nhận được phản hồi từ bất kỳ luật sư nào quan tâm đến việc hợp tác trong vụ kiện này.
Mặc dù vậy, vị CEO nói thêm đã nhận được “những lời đề nghị rất nghiêm túc” từ một số luật sư liên quan đến các vụ kiện ở Tòa án phúc thẩm liên bang.
“Chúng tôi chỉ muốn làm cho nó hợp pháp. Tôi nghĩ rằng việc sử dụng công nghệ để giúp mọi người tiếp cận quyền hợp pháp của họ là rất quan trọng. Chúng tôi đang làm điều này để gửi một thông điệp quan trọng tới các tòa án khác rằng hãy cho phép AI hỗ trợ thân chủ”, Browder nói.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.