Mặc dù các trung tâm mua sắm, nhà hàng phần lớn đã mở lại trên khắp Trung Quốc, khách hàng vẫn chưa quay lại vì lo ngại sức khỏe. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng, theo Guardian.
Các lệnh phong tỏa rộng khắp nhằm chống dịch đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm trong quý I của 2020.
Doanh thu bán lẻ giảm 15,8% trong tháng 3, sau khi đã giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm vì người dân phải ở nhà trên gần như cả nước, và đa số hàng quán, cửa tiệm phải đóng cửa, theo Reuters.
Bây giờ, các chính quyền và doanh nghiệp đang phải sáng tạo trong cách kích thích nhu cầu. Một số thành phố đang khuyến khích cuối tuần hai ngày rưỡi để đẩy mạnh chi tiêu, và các quan chức Trung Quốc đang được yêu cầu phải làm gương bằng cách ra ngoài mua sắm, ăn uống, theo Guardian.
Tháng trước, nhà bán lẻ Suning phát phiếu mua hàng tổng trị giá gần 86 triệu USD cho khách hàng, trong khi chợ điện tử Tencent có chiến dịch “mua ngay, trả tiền sau”.
Doanh thu bán lẻ liên tục giảm trong ba tháng đầu năm ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
“Sự hồi phục của tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ hé lộ những gì sẽ diễn ra ở các nước khác khi dịch bệnh đạt đỉnh rồi giảm đi”, Ned Salter, giám đốc nghiên cứu cổ phiếu tại Fidelity International, viết trong một bản phân tích.
“Có nhiều dấu hiệu phục hồi trong nhiều ngành, dù tốc độ trở lại bình thường vẫn chậm. Chúng ta cần thấy nhiều lòng tin hơn để có thể duy trì sự phục hồi”.
Trước đó, ngày 17/4, Trung Quốc công bố thống kê sản lượng kinh tế. Theo đó, GDP nước này giảm 6,8% trong tháng 1-3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu chính thức vào ngày 17/4 - lần giảm đầu tiên kể từ khi GDP hàng quý được thống kê.
Trước đó, các nhà phân tích ước tính 30 triệu người sẽ mất việc trong năm nay do các nhà máy đóng cửa và nhu cầu trên thế giới giảm mạnh, vượt trên mức 20 triệu người mất việc trong khủng hoảng tài chính 2008-2009, theo Reuters.
Công ty tài chính Nomura ước tính Trung Quốc có thể mất khoảng 18 triệu việc làm trong ngành xuất khẩu - gần 1/3 số lao động trong ngành này, theo AFP.