Bản chất theo mùa của virus corona có thể khiến dịch bệnh dịu đi ở bán cầu Bắc trong những tháng hè tới, theo John Nicholls, giáo sư về bệnh học tại Đại học Hong Kong. Nhưng ông cũng cảnh báo mọi người không nên mất cảnh giác và nên tiếp tục giãn cách xã hội.
Các chuyên gia đã trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến do Facebook và các cơ quan báo chí tổ chức, bao gồm South China Morning Post (Hong Kong), 7News (Australia) và Straits Times (Singapore).
“Vẫn chưa có vắcxin trong vòng một năm nữa, và chưa có thuốc kháng virus thực sự hiệu quả, cách tốt nhất chúng ta hiện có... là giãn cách xã hội và các biện pháp cách ly”, ông Nicholls nói. “Đó là cách tốt nhất để ngăn virus”.
Giãn cách xã hội vẫn là chiến lược phổ quát tốt nhất chống lại virus corona, theo các chuyên gia. Ảnh: South China Morning Post. |
Wang Lingffa, giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Duke-NUS ở Singapore, lưu ý rằng cả Trung Quốc và Mỹ mới vừa bắt đầu giai đoạn 1 trong thử nghiệm lâm sàng vắcxin chống virus, và đó mới chỉ là “các vắcxin ứng cử viên”.
“Để có vắcxin được cấp phép, dùng đại trà, sẽ cần 6-12 tháng nữa”, theo vị chuyên gia thuộc một hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có trách nhiệm tuyên bố Covid-19 là đại dịch.
Alexander Cook, từ khoa nghiên cứu, trường y tế cộng đồng, Đại học Quốc gia Singapore, nói các đột biến của virus mà giới khoa học phát hiện gần đây sẽ không ảnh hưởng tới việc phát triển vắcxin, vì các đột biến nhỏ như vậy “không phải hiếm”.
Buổi tọa đàm cũng phát một cuộc phỏng vấn được thu trước với Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ông cho biết chính phủ Australia sẽ tiếp tục thực thi giãn cách xã hội trong khi cố gắng giảm thiểu gián đoạn đối với cuộc sống, kêu gọi mọi người làm quen với tình trạng “bình thường mới” này cho tới khi có vắcxin.
Thủ tướng Australia Scott Morrison trả lời buổi tọa đàm. Ảnh: Facebook. |
“Tình hình này không đến và đi trong chỉ vài tuần”, thủ tướng Australia nói. “Tôi nghĩ 6 tháng là ước tính hợp lý vào lúc này. Tất nhiên tôi hy vọng sẽ (kết thúc) sớm hơn thế, nhưng cũng có thể lâu hơn”.
Khi được hỏi liệu nhóm máu nào đó có dễ bị virus hơn hay không, tiến sĩ David Hui Shu-cheong, cố vấn về bệnh truyền nhiễm cho chính quyền Hong Kong, nói không có bằng chứng tin cậy được về mối liên hệ giữa nhóm máu và nguy cơ.
Sau khi đọc một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đại lục, kết luận nhóm máu O có thể có rủi ro thấp hơn từ bệnh Covid-19 trong khi nhóm máu A có nguy cơ cao hơn, tiến sĩ Shu-cheong cho biết nghiên cứu này có những hạn chế lớn.
“Đó chỉ là một nghiên cứu nhỏ. Họ không tính đến các bệnh lý nền (của các bệnh nhân được khảo sát). Tôi không tin nghiên cứu đó”, ông nói.