Năm 1984, Martin van den Brink, một kỹ sư trẻ tham gia một liên doanh mới thành lập ở thị trấn yên tĩnh Veldhoven, miền Nam Hà Lan.
Có lẽ ông cũng khó ngờ rằng trong 40 năm sau, sự tồn tại của nó sẽ đóng vai trò then chốt đối với ngành công nghiệp bán dẫn trị giá 580 tỷ USD, đến mức trở thành tâm điểm của cuộc chiến chip bán dẫn Mỹ-Trung.
Thị trường máy in thạch bản - công cụ in các thiết kế chip lên tấm wafer - bị chi phối mạnh bởi ASML, công ty có trụ sở ở châu Âu. Ảnh: ASML. |
Đó chính là ASML, tập đoàn có trụ sở tại Hà Lan, có giá trị thị trường lớn nhất châu Âu nhưng là một tên tuổi lạ lẫm đối với nhiều người. Tuy nhiên, họ lại nắm giữ công nghệ cốt lõi, cỗ máy có thể làm ra những chip bán dẫn hiện đại.
'Đũa thần' của thế giới công nghệ
Ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn đã có những bước tiến vượt bậc và góp công lớn giúp thế giới công nghệ trở nên rực rỡ như hiện nay.
Mặc dù vậy, thật thú vị, toàn bộ sự phức tạp và tinh vi của mọi dòng chip tối tân nhất lại xuất phát từ thị trấn Veldhoven, miền Nam Hà Lan - nơi lắp ráp những cỗ máy mang tính cách mạng, đủ sức khiến những ông lớn phải lệ thuộc vào nó.
“ASML độc quyền trong việc chế tạo máy in thạch bản EUV, loại thiết bị in thạch bản tiên tiến nhất cần thiết để tạo ra mọi chip xử lý tiên tiến mà chúng ta sử dụng ngày nay. Những chiếc máy do họ sản xuất, mỗi chiếc đều nằm trong số các thiết bị phức tạp nhất từng được chế tạo trong lịch sử”, Chris Miller, trợ lý giáo sư tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts cho biết.
Quá trình lắp ráp một máy EUV. Ảnh: ASML. |
Theo CNBC, không công ty nào khác đủ khả năng tạo ra máy EUV dùng trong ngành công nghiệp sản xuất chip, ASML đang nắm giữ vị trí độc tôn trên thị trường. Thậm chí, chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ có đối thủ bắt kịp công nghệ của họ.
"ASML giữ vị trí đặc biệt đối với toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn. Về mặt nào đó, họ cũng quan trọng như TSMC", Peter Hanbury, nhà phân tích thị trường chip bán dẫn tại Bain & Co, nói với CNBC.
Với Van den Brink, trong gần 4 thập kỷ qua, ASML đã đi từ một công ty nhỏ cạnh tranh với những ông lớn như Nikon , Canon và Ultratech, trở thành cái tên độc quyền phát triển công nghệ in tia cực tím (EUV) bước sóng ánh sáng cực ngắn.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ cũng giúp ASML trở thành thành công ty công nghệ có giá trị nhất châu Âu, với giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 247 tỷ USD, con số gấp đôi so với Intel, khách hàng của họ và cũng là một ông lớn trong lĩnh vực bán dẫn.
Bất kể việc thị trường bán dẫn vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023, ASML vẫn phát triển với tốc độ nhanh. Bên cạnh đó, triển vọng dài hạn của công ty Hà Lan dường như vẫn chưa hề lung lay khi nhu cầu về phần cứng cho sức mạnh tính toán của máy tính tăng vọt.
“Đây là một công ty mà thế giới không thể thiếu. Họ đã có một khởi đầu thuận lợi và đi trước ít nhất 20 năm. Các nhà đầu tư đã nhận rõ tầm quan trọng của ASML với tư cách là một công ty và việc sao chép nó sẽ khó khăn như thế nào. Đó là một sự độc quyền tự nhiên”, Jon Bathgate, một nhà quản lý quỹ tại NZS Capital LLC cho biết.
Trụ sở ASML tại Veldhoven (Hà Lan). Ảnh: ASML. |
Theo CEO Peter Wennink, ASML đã bán được tổng cộng khoảng 140 máy in công nghệ EUV trong một thập kỷ qua. Mỗi chiếc hiện có giá lên tới 200 triệu USD, với kích thước ngang một chiếc xe buýt gồm 100.000 bộ phận và tổng chiều dài dây cáp khoảng 2 km.
Với mức giá đắt đỏ, cho đến hiện tại, ASML mới chỉ bán máy cho 5 nhà sản xuất chip. Trong số này có 3 công ty lớn nhất trong ngành bán dẫn là Samsung, Intel và TSMC. Theo báo cáo kinh doanh công ty vào năm 2021, việc bán máy chiếm đến 84% doanh thu của ASML.
Những cỗ máy tinh vi hơn bao giờ hết
Nắm trong tay công nghệ độc quyền tạo ra những con chip dùng trong thiết bị AI và vũ khí tối tân, dễ hiểu vì sao ASML đang được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ và sự thèm muốn của giới công nghệ Trung Quốc.
Theo CNBC, kể từ năm 2018, chính quyền Trump được cho là đã yêu cầu ASML không bán công nghệ EUV cho các công ty Trung Quốc.
Mỹ vận động Hà Lan ngừng xuất khẩu máy EUV cho Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Các công ty công nghệ Trung Quốc dĩ nhiên luôn thèm muốn công nghệ in này. Thậm chí, một số cá nhân và tổ chức Trung Quốc còn đánh cắp công nghệ ASML.
Theo Bloomberg, một công ty với khoảng 1.500 người ở Trung Quốc hồi tháng 2 đã tiết lộ rằng một nhân viên cũ của họ đã đánh cắp một số thông tin kỹ thuật từ ASML.
Trong một phiên tòa năm 2018 ở California, phía ASML, ASML cáo buộc Dongfang Jingyuan Electron và một công ty có tên Xtal, được thành lập vào năm 2014 chỉ cách nhau một tháng, bởi nhân viên cũ Zongchang Yu với mục đích rõ ràng là đánh cắp và chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
Công ty tuyên bố Yu hiện điều hành Dongfang ở Bắc Kinh, với sự hỗ trợ dồi dào từ chính phủ Trung Quốc.
Bị cấm bán nhiều máy móc cao cấp nhất của mình ở Trung Quốc, cũng như việc trở thành nạn nhân của các vụ đánh cắp dữ liệu, ASML đang làm điều duy nhất có thể để duy trì vị trí dẫn đầu mà các đối thủ gần như không thể vượt qua: Chế tạo những máy móc tinh vi hơn bao giờ hết.
Nhân viên ASML đang lắp một bộ phận của máy EUV. Ảnh: Bloomberg. |
Cỗ máy tiếp theo của ASML, với kích thước bằng một căn hộ studio ở Amsterdam, sẽ được tung ra thị trường vào năm 2025. Với mức giá hơn 380 triệu USD, cỗ máy này còn đắt hơn cả một chiếc Boeing 787 Dreamliner.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, cỗ máy thế hệ mới của ASML sẽ có khả năng khắc các hoa văn phức tạp trên tấm silicon kích thước nhỏ hơn cả virus.
Dù đã vượt xa các đối thủ, ASML vẫn không ngừng phát triển để đảm bảo rằng không ai có thể bắt kịp những gì mà công ty này có thể làm trong tương lai gần.
Rào cản thực sự duy nhất của ASML giờ đây sẽ chỉ là giới hạn công nghệ, khả năng chế tạo máy móc và bài toán tiết kiệm cho khâu sản xuất hàng loạt.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.