Vào năm 2012, một chiếc túi nắp gập cổ điển của Chanel có giá 4.400 USD. Bây giờ, giá đã tăng lên 10.200 USD. Trong một video trên TikTok, tài khoản Amanda Rennick giới thiệu một bản sao hay "dupe" của chiếc túi với giá 55 USD. Sản phẩm được mua qua một trang web thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc, có cả biên lai và một chiếc túi đựng như hàng thật.
Trong số hơn 22.000 người từ 15-24 tuổi mà Văn phòng Sở hữu trí tuệ EU khảo sát vào năm 2022, 37% cho biết họ đã mua ít nhất một sản phẩm giả trong vòng 12 tháng. Tỷ lệ này chỉ là 14% vào năm 2019.
Quần áo, phụ kiện và giày dép giả là các mặt hàng phổ biến nhất. Động cơ chính đằng sau những giao dịch mua này là “đơn giản là không quan tâm liệu sản phẩm có phải là hàng giả hay không”.
"Dupe" là từ khóa phổ biến, được đăng tải công khai trên TikTok. Ảnh: F.T. |
Hàng giả chắc chắn đã trở nên dễ chấp nhận hơn đối với những người mua sắm trẻ tuổi trong bối cảnh hàng hiệu đắt đỏ và khó khăn tài chính gia tăng. "Ngày nay, mọi người mua sắm trẻ tuổi đều có một ít đồ giả trong tủ quần áo của họ và cảm thấy thoải mái với việc này", Bella Hales, nhà nghiên cứu công ty quảng cáo The Fifth, cho biết.
Hàng giả được coi như chiến thắng của người tiêu dùng
Trên TikTok, nơi mua bán hàng giả bùng nổ, thái độ của người tiêu dùng không chỉ là chấp nhận. Nhiều người cho rằng trả đủ tiền cho hàng hiệu mới là sai lầm thực sự, trong khi hàng giả có chất lượng tương đương và chi phí chỉ bằng một phần nhỏ.
“Tôi rất vui vì họ hàng giả ngày càng tốt, vì những thương hiệu nổi tiếng đã giảm chất lượng xuống lòng đất trong khi giá tăng lên trời", một người dùng viết. “Thương hiệu designer từng đồng nghĩa với chất lượng, nhưng giờ đây các công ty cắt giảm nhiều chi phí đến mức một chiếc túi đắt tiền vẫn có lỗi đường chỉ hoặc khuyết điểm”, một người khác viết.
Lo ngại về chi phí sinh hoạt và lạm phát cao hơn là 2 động lực chính đằng sau xu hướng hàng giả, theo Chris Beer, nhà phân tích công ty nghiên cứu người tiêu dùng GWI.
Các mẫu hàng giả, hàng nhái với giá rẻ bùng nổ trên TikTok Shop. Ảnh: Đan Thanh. |
"Mọi người đang chuyển sang các lựa chọn thay thế rẻ hơn. Người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, vẫn quan tâm đến việc đạt được địa vị qua các vật phẩm, nhưng tìm cách đạt được một cách tiết kiệm hơn”, Beer nói.
Trong một cuộc khảo sát năm 2023 của GWI, với hơn 2.000 người trả lời thuộc thế hệ Z ở 12 quốc gia, 20% cho biết lạm phát đã có tác động đáng kể đến tài chính của họ.
Beer mô tả việc mua hàng giả qua TikTok là một cách “flexing tiết kiệm”, phô trương các sản phẩm hoặc phong cách sống trông đắt tiền hơn so với giá thực.
Hashtag #bougieonabudget, bao gồm các video đưa ra lời khuyên về cách tiêu dùng tiết kiệm trong ngành hàng thời trang, làm đẹp và ẩm thực, có 554 triệu lượt xem. Đối với nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi, mua hàng giả không phải điều cấm kỵ, mà là một thành tích trên mạng xã hội.
“Tìm được món hời được coi là một chiến thắng và là điều đáng để cảm thấy tự hào và chia sẻ trên mạng xã hội", Hales nói.
Mối nguy cho nhà sáng tạo nội dung
Trên TikTok, #dupes đã đạt 2,1 tỷ lượt xem. #Reps, cũng mang ý nghĩa tương tự, có 1,9 tỷ. Các video thường có các đánh giá chi tiết về hàng giả nơi mua. Ngoài ra, trên TikTok còn có các hướng dẫn từng bước về “cách tìm những món hàng giả tốt nhất” và “làm thế nào để không bao giờ bị hải quan bắt giữ”.
Các thương hiệu khó tiếp cận các công ty sản xuất hàng giả ở Trung Quốc, do đó có thể nhắm đến các nhà sáng tạo nội dung ở cùng khu vực pháp lý. Ảnh: Reuters. |
“Nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi không cho phép nội dung tạo điều kiện cho việc bán hàng giả. Chúng tôi rất coi trọng việc bảo vệ tài sản trí tuệ và những nhà sáng tạo nội dung bị phát hiện bán sản phẩm giả trên nền tảng của chúng tôi có thể bị xóa tài khoản", người phát ngôn của TikTok đã viết qua email với Financial Times.
Dù lý do đằng sau việc dính líu đến hàng giả là gì thì việc quảng bá và chia sẻ thông tin liên quan đến những sản phẩm này đều có rủi ro, đặc biệt nếu những mặt hàng này bao gồm tên thương hiệu và biểu trưng.
Nick White, luật sư công ty luật Charles Russell Speechlys, cho biết việc sử dụng các tên thương hiệu như Hermès hoặc Louis Vuitton trong video truyền thông xã hội cũng có thể bị coi là vi phạm nếu có yếu tố thương mại liên quan, chẳng hạn như đường dẫn liên kết bán hàng.
Luật sư này tin rằng những người sáng tạo nội dung TikTok đang đánh giá thấp những rủi ro mà họ đang gặp phải. “Thật khó để bắt được các công ty sản xuất hàng giả, đặc biệt là những công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Các thương hiệu có thể cảm thấy rằng họ có nhiều khả năng thành công hơn nếu nhắm vào những người sáng tạo nội dung", White nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.