UNESCO từng nhận định việc phá hủy di tích hầm đá tại hẻm núi Juukan, miền Tây Australia, là một trong những thiệt hại tồi tệ nhất của lịch sử đương đại, giống như việc Taliban đốt cháy các bức tượng Phật Bamiyan.
Sau phản ứng giận dữ từ cộng đồng người bản xứ và cổ đông, ban quản trị Rio Tinto tiến hành điều tra về quyết định cho nổ, sau đó cắt tiền thưởng ngắn hạn của các giám đốc. Nhưng các cổ đông cùng nhau phê phán động thái này là chưa đủ, theo Guardian.
Ba lãnh đạo công ty phải từ chức là giám đốc điều hành Jean-Sébastien Jacques, người đứng đầu mảng quặng sắt Chris Salisbury, và lãnh đạo phụ trách vấn đề nội bộ Simone Niven. Thông báo ngày 11/9 của công ty cho biết ông Jacques rời khỏi công ty “theo thỏa thuận” với ban quản trị.
Đồng thời, công ty cũng chịu sức ép khi một ủy ban của Quốc hội Australia điều tra vụ việc nêu lo ngại rằng Rio Tinto đang cung cấp bằng chứng sai lệch.
Ông Jean-Sébastien Jacques. Ảnh: Reuters. |
Vào tháng 5, để khai thác quặng sắt chất lượng cao hơn, công ty cho nổ các hầm đá có ý nghĩa lịch sử lớn của các tộc người Puutu Kunti Kurrama và Pinikura. Các hầm đá từng là nơi trú ngụ của các tộc người này.
Các cổ đông hoan nghênh thông báo mới nhất của công ty về việc ba giám đốc cao cấp ra đi.
Ian Silk, giám đốc điều hành một quỹ hưu trí lớn của Australia, nói ông “Rio giờ có thể hợp tác với các chủ nhân truyền thống (người bản địa) để đảm bảo rằng các quy trình của công ty phù hợp với việc bảo vệ di tích văn hóa quan trọng, và có cơ chế quy trách nhiệm trong nội bộ”.
Trung tâm Trách nhiệm Doanh nghiệp châu Đại Dương hoan nghênh động thái mới, bình luận “tinh thần dân chủ và đấu tranh từ phía cổ đông rất sôi động và mạnh mẽ ở Australia. Những người điều hành doanh nghiệp sẽ phải nghĩ lại nếu muốn lừa dối nhà đầu tư, chứ chưa nói đến lừa dối ủy ban Quốc hội”.
Rio Tinto phá huỷ một khu vực có niên đại lên tới 46.000 năm tuổi. Ảnh: Getty Images. |
Theo các đại diện cộng đồng người bản địa, Rio Tinto đã được chính thức thông báo về tầm quan trọng của các hầm đá từ tháng 10/2019. Họ tiếp tục nhắc nhở Rio Tinto về ý nghĩa của khu di tích hồi tháng 3.
Những người bản địa chỉ phát hiện thiệt hại khi tình cờ ghé thăm hẻm núi Juukan hôm 15/5.