Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty ống kính máy ảnh Nhật Bản xây thêm nhà máy ở Việt Nam

Tamron đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đóng góp một nửa sản lượng của công ty.

Tamron đầu tư nhà máy thứ 2 tại Việt Nam với tổng vốn 26 triệu USD. Ảnh: Nikkei Asia.

Theo Nikkei, Tamron, nhà sản xuất ống kính lớn của Nhật Bản sẽ xây dựng nhà máy tiếp theo tại Việt Nam vào tháng 1/2025, với mục tiêu biến nơi đây trở thành nhà máy có sản lượng lớn nhất thế giới.

Liên quan đến căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, công ty này đã tiến hành thúc đẩy kế hoạch sản xuất tại Việt Nam thay vì ở thị trường Trung Quốc như trước đây.

Nhà máy thứ 2 tại Việt Nam có tổng mức đầu tư 26,75 triệu USD, với diện tích lên đến 28.500 m2 nằm trong một khu công nghiệp ở Hà Nội.

Theo đó, nhà máy sẽ đảm nhận việc xử lý toàn bộ quy trình sản xuất ống kính, từ đúc khuôn đến sơn và lắp ráp. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn, với lực lượng lao động 1.500 người vào năm 2028.

Tamron có trụ sở tại thành phố Saitama (Nhật Bản). Hiện tại, công ty đang vận hành 2 nhà máy tại tỉnh Aomori (Nhật Bản), 1 nhà máy ở Hà Nội (Việt Nam) cũng như một nhà máy khác tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Nhà máy tại Phật Sơn hiện chiếm 65% tổng sản lượng của công ty, trong khi cơ sở tại Hà Nội đóng góp 25%.

Với việc hoàn thành nhà máy mới, Tamron có kế hoạch nâng sản lượng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam lên 50% tổng sản lượng công ty vào năm 2030, đồng thời cắt giảm thị phần sản lượng tại Trung Quốc xuống 40%.

Điều này diễn ra trong bối cảnh Tamron đang cố gắng giảm thiểu các rủi ro liên quan đến hoạt động tại Trung Quốc, khi căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thêm các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc từ năm 2018, và dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhiều chính sách này vẫn tiếp tục.

Theo chính sách hiện tại của Mỹ, các ống kính rời máy ảnh của Tamron sản xuất tại Trung Quốc phải chịu thêm mức thuế 25% khi xuất khẩu vào nước này, bên cạnh mức thuế thông thường là 2,3%.

Trong khi đó, việc sản xuất tại Việt Nam giúp công ty có thể tránh được hoàn toàn mức thuế quan bổ sung.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dự kiến ​ không kết thúc sớm và ngày càng có nhiều lo ngại rằng Washington sẽ tiếp tục tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Để giải quyết vấn đề này, Tamron lựa chọn Việt Nam làm cơ sở xuất khẩu chính, trong khi nhà máy ở Phật Sơn sẽ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu nội địa tại Trung Quốc. Còn các nhà máy tại Nhật Bản của công ty sẽ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và công nghệ mới. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 12, 52% doanh số Tamron đến từ châu Á, mà chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

“Thị trường Trung Quốc dự kiến tăng trưởng hơn nữa do nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm ống kính sử dụng trong thiết bị quay video trên mạng xã hội”, ông Shogo Sakuraba, Chủ tịch Tamron cho biết.

Tamron cũng đang mở rộng danh mục sản phẩm bao gồm ống kính cho hệ thống an ninh và tự động hóa nhà máy, cũng như các thiết bị cao cấp cho ôtô và thiết bị y tế.

Đá lạnh cao cấp Nhật Bản gây 'sốt' ở Mỹ

Kuramoto Ice, công ty 100 năm tuổi chuyên sản xuất đá lạnh tinh khiết đang chứng kiến doanh số tại Mỹ tăng kỷ lục, nhờ vào danh tiếng được lan truyền thông qua các quán bar cao cấp.

'Ông trùm' đứng sau Hello Kitty lãi cao nhất lịch sử

Sanrio vừa lập kỷ lục lợi nhuận, một phần nhờ những nỗ lực giảm phụ thuộc vào Hello Kitty, dù công ty đang triển khai loạt hoạt động kỷ niệm cột mốc 50 năm của nhân vật nổi tiếng này.

Foxconn muốn xây nhà máy sản xuất chip 80 triệu USD ở Bắc Giang

Chủ đầu tư dự kiến xây nhà máy sản xuất, gia công mạch tích hợp với công suất 4,5 triệu sản phẩm mỗi năm tại KCN Quang Châu, Bắc Giang.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Anh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm