Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty nước ngoài gặp khó ở Nga

Phương Tây kéo dài cấm vận kinh tế vì tình hình Ukraine, đồng ruble mất giá, giá dầu giảm... khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định ngưng làm ăn ở Nga.

Sau 25 năm hợp tác, ConocoPhillips chính thức rời khỏi thị trường Nga. Ảnh: Sputnik

Ngày 22/12, ConocoPhillips, một trong những công ty nước ngoài tiên phong đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí ở Nga vừa tuyên bố rút lui hoàn toàn khỏi thị trường này, qua việc bán toàn bộ cổ phiếu ở dự án đầu tư chung Polar Lights hợp tác cùng công ty dầu khí quốc gia Rosneft của Nga.

Quyết định rút khỏi thị trường Nga sau hơn 25 năm của Conoco đã nêu bật những thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt khi muốn tham gia vào ngành năng lượng ở xứ sở bạch dương. Những khó khăn này càng thêm nghiêm trọng do những căng thẳng chính trị gần đây và sự biến động của giá dầu.

Sự tháo chạy của "đại gia"

Conoco (Mỹ), trước khi sáp nhập với Phillips, là một trong những tập đoàn dầu khí phương Tây đầu tư vào Nga sớm nhất.  Họ đã bắt đầu những cuộc đàm phán từ trước khi Liên Xô sụp đổ. Polar Lights là sự kết hợp giữa Conoco cùng công ty Rosneft, cổ phần do hai bên nắm giữ được chia đều 50 - 50, tập trung khai thác ở khu vực tây bắc Nga. Khi dự án được chính thức đăng ký vào năm 1992, Conoco trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng Nga hồi đầu thập niên 1990.

“Quan điểm chung trong quá khứ là nguồn nhiên liệu hydrocarbon rất quý hiếm, trong khi Nga lại sở hữu rất nhiều. Do vậy, các công ty bằng mọi giá phải đặt chân vào thị trường này. Ngày nay tình hình đã rất khác. Nguồn hydrocarbon có ở rất nhiều nơi, như Williston, North Dakota. Do vậy, doanh nghiệp không cần phải tìm đến những nơi xa xôi, mạo hiểm như trước”, Matthew Sagers, giám đốc dự án nghiên cứu về nguồn năng lượng ở Nga thuộc công ty IHS, giải thích với Financial Times.

Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, Polar Lights trở thành quân cờ giữa tranh chấp chính trị nội bộ ở Nga, và các hóa đơn thuế hoạt động ngày càng tăng. "Mục tiêu của Conoco chủ yếu dựa vào các mối quan hệ với chính quyền địa phương. Vấn đề ở chỗ, địa phương ngày càng mất nhiều quyền lực về trung ương. Do vậy, bạn không thể hoàn toàn điều hành việc kinh doanh chỉ dựa vào quan hệ cấp địa phương", ông Thane Gustafson, tác giả một quyển sách về lịch sử ngành dầu mỏ Nga, nói.

Đến năm 2004, Conoco tiếp tục chứng tỏ tham vọng tại Nga khi mua 8% cổ phần ở Lukoil, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, rồi nâng lên 20%. Tuy nhiên, sự đầu tư này vẫn không giúp Conoco tiếp cận được với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ ở Nga như công ty kỳ vọng. Do vậy, đến năm 2011, họ bán cổ phần ở Lukoil.

Càng về sau, Conoco đã quyết định rút toàn bộ hoạt động ở khu vực này, qua việc bán 30% cổ phần trong dự án hợp tác với Lukoil năm 2012, và bán cổ phần trong một dự án liên kết với công ty của Kazakhstan năm 2013. "Họ đã thực tế hơn khi nhận ra rằng, nếu hoạt động không hiệu quả ở Nga thì phải rút lui. Đó là một quyết định đúng đắn", một nguồn thạo tin nói.

Người phát ngôn của Conoco cho biết họ đã bán cổ phần cho công ty TNHH Trisonnery Asset Ltd. "Chúng tôi không còn hoạt động nào ở Nga", người này nói. Một nguồn tin thân cận cho biết, đơn vị mua lại số cổ phiếu chính là một công ty của gia tộc Khotin. Gia tộc này phất lên nhờ kinh doanh bất động sản ở thủ đô Moscow. Những năm gần đây, họ bắt đầu đầu tư dầu mỏ, qua việc mua lại một công ty nhỏ ở vùng Irkutsk và mua 29,9% cổ phần của công ty năng lượng Exillon có niêm yết ở sàn London.

Xe Opel và Chevrolet của hãng General Motors đậu ở bãi đỗ tại thành phố St. Petersburg. G.M. tuyên bố đóng cửa nhà máy chính ở Nga. Ảnh: AFP

Ồ ạt thoái vốn

Trước tuyên bố của ConocoPhillips, nền kinh tế Nga đã chứng kiến những làn sóng điều chỉnh đầu tư hoặc thậm chí thoái vốn khỏi thị trường Nga của các công ty nước ngoài. 

Ngày 18/3, tập đoàn General Motors (GM) thông báo kế hoạch rút phần lớn việc hoạt động ở Nga trước cuối năm 2015. Động thái này đảo ngược nhiều năm tăng cường đầu tư của GM ở Nga, trong giai đoạn doanh số bán xe bùng nổ. "Chúng tôi quyết định như vậy vì thị trường này có rất nhiều thách thức lâu dài về triển vọng phát triển", Chủ tịch GM, Daniel Ammann, nói. Cụ thể, New York Times cho biết G.M. sẽ đóng cửa nhà máy chính ở Nga, giảm việc bán dòng xe thương hiệu Opel. Qua đó, tập đoàn sẽ giảm 600 triệu USD trong năm 2015 để trả lương cho công nhân địa phương và những chi phí khác.

Bloomberg cho biết, những công ty tài chính hàng đầu từng một thời nỗ lực mở rộng hoạt động ở Nga, nay đã phải tháo chạy khỏi nước này do những lệnh cấm vận kéo dài của phương Tây, làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái kinh tế ở Nga kể từ năm 2009. Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) phải rút khỏi dự án đầu tư quản lý quỹ liên kết với địa phương. Đầu tháng 7, công ty tái bảo hiểm Munich Re (Đức) đóng cửa văn phòng ở Moscow.

Ngân hàng Phát triển và Tái xây dựng châu Âu (EBRD) cũng phải giảm quy mô hoạt động ở Nga. EBRD được thành lập năm 1991 nhằm giúp đỡ các quốc gia tách ra khỏi từ Liên Xô trở thành những nền kinh tế thị trường. Gần đây, EBRD đã bán cổ phần ở công ty điện lực Enel Russia và chuỗi cửa hàng bán lẻ Lenta Ltd lớn thứ 2 của Nga.

Trước đó, hồi năm 2014, EBRD đã giảm đầu tư nguồn vốn vào Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập Cộng hòa Crimea trở về Nga. Danh mục đầu tư vào Nga của EBRD giảm từ 6,8 tỷ euro hồi đầu năm còn 6,3 tỷ euro. "Một số ngân hàng khác cũng đang tính chuyện rút khỏi đây, và trở lại khi tình hình khá hơn", Tom Adshead, giám đốc điều hành hoạt động của công ty tư vấn Macro Advisory tại Moscow, cũng là cựu nhân viên EBRD, nói.

Việc đồng ruble mất giá mạnh ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân

Sau sự trượt giá mạnh của đồng ruble, phương Tây kéo dài cấm vận với Nga do tình hình Ukraine, giao dịch dầu mỏ ở mức thấp trong 3 tháng hồi giữa năm, khiến nền kinh tế Nga càng co lại, nên các nhà đầu tư mất niềm tin về triển vọng hoạt động ở Nga. "Không hề có ánh sáng nào ở cuối đường hầm", Simon Fentham-Fletcher, chuyên viên đầu tư của quỹ  Freedom Asset Management, nói với Bloomberg. Các chuyên gia kinh tế dự đoán nền kinh tế Nga năm nay sẽ co lại khoảng 4%.

Giữa tháng 10, trong một cuộc họp với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Hội đồng cố vấn đầu tư nước ngoài (FIAC, nhóm quy tụ những công ty quốc tế lớn nhất đang hoạt hoạt động ở Nga) đã phàn nàn rằng việc hoạch định chính sách khó dự đoán ở Nga đã làm suy giảm sức hút của nước này với nhà đầu tư. Cụ thể, báo cáo của Ernst & Young (EY) nói 77% các công ty không hài lòng vì những thay đổi luật pháp khó lường trước.

Nhật báo Vedomosti cho biết, các công ty cho rằng chính phủ trung ương hay ban hành những quy định khiến họ bất ngờ, như các luật xử lý chất thải mới hoặc những biện pháp khuyến khích sản xuất ở địa phương, mà không tính toán đến các tác động phụ. Điều này khiến những đơn vị sản xuất hàng hóa thiệt hại 1,7 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.

Theo Alexander Ivlev (đại diện EY Nga), kể từ năm 2014, Moscow tăng cường chú trọng "chủ quyền kinh tế" do cấm vận của phương Tây vì tình hình Ukraine. Do vậy, Nga chủ trương thay thế hàng hóa và dịch vụ nước ngoài bằng sản xuất địa phương. Điều này tạo ra mối lo ngại chung với những doanh nghiệp ngoại.

Trong diễn biến liên quan, lao động nước ngoài cũng đang rời Nga với tốc độ chưa từng có. Theo Financial Times, những nước có công dân hồi hương từ Nga nhiều nhất đều là các quốc gia đầu tư vào Nga lớn nhất. Tính đến ngày 20/1, số lượng người Đức ở Nga còn hơn 240.000 người, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tỷ lệ giảm tương ứng với số công dân Mỹ, Anh và Tây Ban Nha lần lượt là 36%, 38% và 41%. "Các công ty cố gắng duy trì lao động nước ngoài càng ít càng tốt nhằm cắt giảm chi phí", Jens Boehlmann, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Đức tại Nga, nói.

Mỹ mở rộng trừng phạt Nga vì tình hình Ukraine

Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/12 tiếp tục áp đặt cấm vận đối với 34 cá nhân và tổ chức ở Nga nhằm gây sức ép buộc nước này phải dừng những hoạt động liên quan đến Ukraine.

Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận cung cấp tài chính 25 tỷ USD

Tổng thống Putin khẳng định "Trung Quốc hôm nay là đối tác chiến lược và chủ chốt của Nga" sau lễ ký kết thỏa thuận nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, tài chính song phương.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm