Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty Núi Pháo vay Techcombank thêm 1.500 tỷ đồng

Khoản tín dụng được Techcombank cung cấp với một phần tài sản đảm bảo là cổ phiếu MSR của Công ty CP Masan High-Tech Materials do Công ty CP Tầm nhìn Masan sở hữu.

Hội đồng Quản trị Techcombank vừa thông qua việc phê duyệt giao dịch cho vay giữa ngân hàng với bên có liên quan người nội bộ và cổ đông lớn, theo đề xuất của giám đốc Khối ngân hàng bán buôn.

Theo đó, nhà băng này đã phê duyệt cấp khoản tín dụng cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NPM) và Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC), đồng thời thông qua giao dịch ký kết hợp đồng cấp tín dụng và các văn bản, tài liệu liên quan đến các hợp đồng giữa 2 bên.

Cụ thể, khoản tín dụng Techcombank sẽ cấp cho Công ty Khoáng sản Núi Pháo tối đa là 1.500 tỷ đồng và không quá 600 tỷ đồng với Công ty Vonfram Masan. Đây là công ty thành viên của Tập đoàn Masan (MSN), hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại dự án Núi Pháo (tỉnh Thái Nguyên).

Các khoản vay này có thời hạn 12 tháng, bao gồm hình thức cho vay, bảo lãnh, thư tín dụng, chiết khấu và thấu chi.

Mục đích của khoản vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Khoáng sản Núi Pháo và Vonfram Masan.

Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, tài sản đảm bảo cho khoản vay này là cổ phiếu MSR của Công ty CP Masan High-Tech Materials do Công ty CP Tầm nhìn Masan sở hữu.

Cong ty Nui Phao cua Masan vay Techcombank 1.500 ty dong anh 1

Một góc dự án khai thác mỏ vonfram Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: MSN.

Tài sản đảm bảo còn bao gồm toàn bộ khoản phải thu ngắn hạn của Khoáng sản Núi pháo (phải thu khách hàng, trả trước cho người bán, thuế giá trị gia tăng được khấu trừ), không bao gồm khoản phải thu khách hàng từ Công ty Vonfram Masan.

Ngoài ra, toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển là nguyên liệu oxit vonfram của Công ty Vonfram Masan cũng được dùng để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Tập đoàn Masan ngoài việc là cổ đông lớn sở hữu gần 20% vốn tại Techcombank, còn là khách hàng thân thiết của ngân hàng với các khoản tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Techcombank cũng đóng vai trò là kênh dẫn vốn cho các công ty thành viên của Masan.

Trong tháng 2, Techcombank là bên cung cấp khoản tín dụng 250 tỷ đồng cho Công ty CP Phúc Long Heritage (chủ chuỗi trà, cà phê Phúc Long). Đáng chú ý, động thái cấp tín dụng này của ngân hàng diễn ra ngay sau khi Masan hoàn tất giao dịch mua thêm 31% cổ phần của chuỗi Phúc Long với giá 110 triệu USD. Sau giao dịch, chuỗi trà và cà phê này trở thành công ty con của Masan.

Trước đó, cũng chính Techcombank là ngân hàng cấp khoản tín dụng và hợp đồng thấu chi cho Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce cùng Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (đều là công ty thành viên của Masan).

Hạn mức tín dụng cấp với Wincommerce trong hợp đồng này là 1.150 tỷ đồng và với VinEco là 150 tỷ. Các khoản vay được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu của Wincommerce do Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM sở hữu.

Ngoài ra, Công ty CP Mobicast - doanh nghiệp viễn thông được Masan chi gần 300 tỷ đồng để mua lại 70% vốn - cũng có khoản tín dụng bảo lãnh tại Techcombank với giá trị 450 tỷ đồng.

Trong đó, khoản bảo lãnh thanh toán trên không có tài sản bảo đảm nhưng được bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang bởi Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Masan) cho toàn bộ nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Techcombank huy động xong khoản vay hợp vốn 800 triệu USD

Với giá trị quy đổi 18.300 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại, đây là khoản vay hợp vốn nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay mà một ngân hàng thương mại trong nước huy động được.

Chủ chuỗi VinMart vay Techcombank 1.150 tỷ đồng

Hạn mức tín dụng Techcombank cấp cho Wincommerce (chủ sở hữu VinMart và VinMart+) là 1.150 tỷ và VinEco là 150 tỷ đồng.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm