Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (mã chứng khoán MSR) vừa đạt thỏa thuận mua lại 49% cổ phần của đối tác H.C.Starck GmBH (Đức) tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck (Liên doanh), với giá trị giao dịch 29,1 triệu USD.
Với thương vụ này, liên doanh đã chính thức trở thành công ty con do Masan Resources sở hữu 100%. Thương vụ này là bước khởi đầu cho hành trình trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram và hướng đến mục tiêu chinh phục 50% thị phần thế giới (ngoài Trung Quốc).
Được phát hiện lần đầu vào cuối thập kỷ 1990s, mỏ Núi Pháo đã trải qua nhiều chủ sở hữu trước khi được tiếp quản bởi Tập đoàn Masan.
Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo nằm trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong những mỏ khai khoáng lớn nhất Việt Nam với trữ lượng khoảng 66 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng trên diện tích 720 ha. Masan đã nhìn thấy tiềm năng và đã mua lại dự án này vào năm 2010 và quyết tâm biến mỏ Núi Pháo thành “Niềm tự hào Việt Nam” vì lợi ích của cả công ty và đất nước.
Tính đến nay, Masan đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào dự án vào việc xây dựng mỏ, các máy móc thiết bị, hệ thống xử lý nước thải cũng như hoạt động đền bù, tái định cư và hoạt động cộng đồng.
Masan Group đã tuyển chọn gắt gao đội ngũ điều hành cao cấp của MSR với nhiều kinh nghiệm làm việc tại các dự án mỏ trên thế giới và đã xây dựng và vận hành nhà máy chế biến khoáng sản theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhờ vào ưu điểm là mỏ lộ thiên, dự án Núi Pháo có chi phí sản xuất rẻ nhất thế giới. Hiện nay, sản lượng chế biến trung bình của nhà máy đã chạm mốc 95% công suất thiết kế.
Được thành lập vào năm 2013, Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck là công ty liên doanh giữa Núi Pháo và H.C. Starck, doanh nghiệp chế biến khoáng sản công nghiệp hàng đầu của Đức, với mục tiêu trở thành một nhà chế biến sâu trên quy mô toàn cầu các sản phẩm hóa chất công nghiệp vonfram. Thay vì đơn thuần là nhà khai thác tinh quặng, liên doanh này giúp MSR có được công nghệ chế biến cận sâu, tạo ra các sản phẩm hóa chất vonfram gồm Ammonium paratungstate (APT), Blue tungsten oxide (BTO), Yellow tungsten oxide (YTO).
Qua 5 năm, liên doanh đã phát triển thành một hữu nhà máy chế biến hóa chất vonfram (APT, BTO, YTO) lớn nhất thế giới với thị phần chiếm 36% ngoài Trung Quốc. Nhà máy có khả năng làm giàu vonfram từ phẩm cấp thấp khoảng 0,12 - 0,32% trong thân quặng lên thành tinh quặng vonfram với hàm lượng lên khoảng 60%, sau đó chế biến cận sâu lên một nhóm các sản phẩm kết tinh phức tạp (APT, BTO, YTO) có chứa đến gần 100% vonfram tinh khiết, vượt xa mức tiêu chuẩn của Chính phủ đưa ra cho việc xuất khẩu vonfram là 55%.
“Núi Pháo thật sự là đối tác tuyệt vời. Sự hợp tác này đã giúp cho hai công ty cùng được hưởng lợi lớn cả về công nghệ lẫn văn hoá”, ông Karlheinz Reichert, Tổng giám đốc của đơn vị vận hành vonfram của H.C.Starck nói.
Trong chuỗi giá trị vonfram hiện nay, MSR đã làm chủ được nguồn khai thác thô (upstream) và công nghệ chế biến cận sâu (midstream) thông qua việc mua lại Liên doanh. Như vậy, để đạt được mục tiêu trở thành nhà chế biến hoá chất công nghiệp vonfram tích hợp hoàn chỉnh hàng đầu vào năm 2022, cũng như tăng thị phần lên trên 50% so với 36% như hiện nay.
Trước mắt, Masan Resources đặt mục tiêu gia tăng công suất chế biến, đồng thời tăng cường thu mua tinh quặng vonfram từ nhiều nguồn bên ngoài Núi Pháo để thỏa mãn nhu cầu tăng cao của thị trường.
“Giao dịch này là một bước đi quan trọng đầu tiên giúp chúng tôi hiện thực hoá tầm nhìn trở thành nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp vonfram với quy mô và ảnh hưởng toàn cầu”, ông Craig Bradshaw - Tổng giám đốc của MSR, chia sẻ.
Với công nghệ hàng đầu thế giới của H.C.Starck, việc MSR chi ra 29,1 triệu USD nhằm mua lại 49% cổ phần tại Liên doanh là một khoản đầu tư sáng suốt và hiệu quả cao.
Khoa học thế giới cho rằng vonfram còn được xem là vật liệu của tương lai vì nó đang ngày càng trở nên quan trọng đối với ngành điện tử, công nghệ năng lượng tái tạo và công nghệ hiển thị như màn hình OLED. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong kính hiển vi điện tử, vi mạch, được dùng làm vật liệu chống lại những nguồn bức xạ năng lượng cao. Đặc biệt, nó cũng được sử dụng trong công nghệ điện tử nano thế hệ tiếp theo để chế tạo dây nano.
Đây đều là những ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn nguyên liệu tin cậy và dồi dào. MSR là một trong số ít những nhà cung cấp uy tín trên toàn cầu về các sản phẩm hóa chất công nghiệp, đặc biệt là vonfram và florit.
MSR sẽ tiếp tục tìm kiếm các đơn vị đầu ngành làm đối tác kinh doanh nhằm sở hữu công nghệ chế biến sâu (downstream). Mục tiêu cuối cùng là tạo ra các sản phẩm công nghiệp từ vonfram cho người mua cuối như xi măng cacbua, sản phẩm máy phay và hoá chất công nghiệp. Đây là một thị trường tiềm năng với giá trị lên đến 11 tỷ USD.
“Từ góc độ tài chính, giao dịch này cho phép công ty sở hữu 100% nguồn lợi nhuận và tiền mặt. Điều này sẽ giúp cho MSR có được sự linh hoạt cần thiết cho việc trả nợ vay và chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong kế hoạch trung hạn”, ông Danny Le - Giám đốc cấp cao Chiến lược và Phát triển của Masan Group, nhận xét.
Doanh thu thuần của MSR đạt 3.239 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng 26,6% so với 2.559 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017 do giá vonfram tiếp tục tăng cao hơn trong nửa đầu năm 2018. Công ty đã đạt được lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty với mức kỷ lục 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng 376,2% so với cùng kỳ năm ngoái. MSR đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 lên đến 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trên 1.000 tỷ đồng.
Từ thương vụ này, lợi ích kinh tế mà MSR nhận được là 8,5 triệu USD mỗi năm, bao gồm việc cắt giảm 3 triệu USD chi phí vận hành; 4,5 triệu USD nhờ tăng công suất và 1 triệu USD nhờ vào giá bán sản phẩm cao hơn so với trước. Theo đó, tỷ số lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) cho năm 2018 sẽ tăng lên thêm 14%.
Giao dịch này cũng nhất quán với chiến lược 5 năm của MSR nhằm phát triển mô hình kinh doanh chuỗi giá trị hoá chất công nghiệp và kim loại với dòng tiền vững mạnh và duy trì được lợi nhuận xuyên suốt qua các chu kỳ hàng hóa. MSR còn dự định thực hiện IPO theo tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai nhằm tìm kiếm các nguồn vốn mới.