Nhà sản xuất bộ loại đàm hai chiều của Nhật Bản được cho là xuất hiện trong loạt vụ nổ thứ hai nhằm vào nhóm chiến binh Hezbollah ở Lebanon, hôm 19/9 cho biết công ty đang điều tra các cáo buộc, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy những chiếc bộ đàm đó là hàng giả, Washington Post đưa tin.
“Sáng nay, trên các phương tiện truyền thông quốc tế xuất hiện thông tin các bộ đàm gắn logo của Icom đã phát nổ ở Lebanon. Chúng tôi đang điều tra các thông tin xung quanh vấn đề này và sẽ công bố cập nhật trên website của công ty”, Icom Inc thông báo ngày 19/9.
Trước đó, vào chiều 18/9, nhiều bộ đàm do nhóm vũ trang Hezbollah sử dụng đã phát nổ trên khắp miền Nam Lebanon khiến 20 người thiệt mạng và 450 người bị thương. Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng này phát nổ khiến 12 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương.
Hình ảnh về các bộ đàm cho thấy nhãn hiệu “ICOM” và dòng chữ “made in Japan”.
Nguồn gốc của vụ nổ hôm 18/9 vẫn chưa được làm rõ. Hãng thông tấn nhà nước Lebanon cho biết một số vụ nổ xảy ra ở sản phẩm một thương hiệu bộ đàm hai chiều, trong khi hình ảnh từ hiện trường vụ nổ cho thấy máy bộ đàm mang thương hiệu Icom và số hiệu V82.
Thông báo từ Icom Inc cho biết mẫu bộ đàm IC-V82 có dấu hiệu giống với mẫu trong các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội, đã ngừng sản xuất vào năm 2014.
Cụ thể, công ty sản xuất mẫu bộ đàm cầm tay IC-V82 từ năm 2004 đến tháng 10/2014 và giao đến các thị trường nước ngoài, bao gồm cả Trung Đông, trong thời gian đó. Tuy nhiên, không có lô hàng nào kể từ khi mẫu máy này ngừng sản xuất khoảng 10 năm trước và việc sản xuất pin để vận hành máy cũng đã ngừng, công ty cho biết.
Hơn nữa, các bức ảnh chụp thiết bị không cho thấy nhãn dán ảnh ba chiều mà Icom đã dán vào các thiết bị để chống làm giả, "do đó, chúng tôi không thể xác nhận liệu sản phẩm có được công ty chúng tôi chuyển đến hay không", tuyên bố cho biết.
Icom có trụ sở tại Osaka, được thành lập vào năm 1954, là nhà sản xuất các sản phẩm truyền thông không dây. Công ty sản xuất các bộ thu truyền thông bao gồm bộ đàm nghiệp dư, hàng hải và hàng không, và các sản phẩm dẫn đường. Các sản phẩm này được bán tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới với các công ty con tại Mỹ, Australia, Đức, Tây Ban Nha và Trung Quốc, theo website của Icom.
Công ty cho biết sản phẩm của họ chỉ được bán ra nước ngoài cho các nhà phân phối được ủy quyền và họ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt, phù hợp với các quy định của chính phủ Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo liên quan.
"Chúng tôi đang thu thập thông tin", ông Yoshimasa Hayashi, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, nói với các phóng viên tại Tokyo vào sáng 19/9.
Trước đó, một giám đốc bán hàng tại công ty con của Icom tại Mỹ đã nói với Associated Press rằng các thiết bị phát nổ có vẻ là sản phẩm nhái và không phải do Icom sản xuất.
“Tôi có thể đảm bảo rằng đó không phải là sản phẩm của chúng tôi”, AP trích lời Ray Novak, giám đốc bán hàng cấp cao của bộ phận bộ đàm nghiệp dư của Icom America, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn 18/9 tại một hội chợ thương mại ở Providence, Rhode Island.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.