Rio Rinto đã sử dụng thuốc nổ tại hẻm núi Juukan hôm 31/5, vô tình phá huỷ 2 hầm đá từng là nơi trú ngụ của tộc người Puutu Kunti Kurrama và Pinikura, theo Guardian.
Nằm trong dự án Brockman 4 được cấp phép vào tháng 4/2013, hoạt động khai thác trên đã gây thiệt hại đến nhiều loại cổ vật, bao gồm một vật dụng đá mài 4.000 năm tuổi.
Rio Rinto xin lỗi cộng đồng người bản địa sau khi phá huỷ một khu vực có niên đại lên tới 46.000 năm tuổi. Ảnh: Getty Images. |
“Chúng tôi thành thật xin lỗi vì những thiệt hại do chúng tôi gây ra”, ông Chris Salisbury, giám đốc công ty quặng sắt Rio Rinto cho biết. “Chúng tôi trân trọng mối quan hệ lâu dài với cộng đồng người bản địa”.
“Chúng tôi sẽ xem xét lại kế hoạch khai thác tại hẻm núi Juukan”, ông Salisbury khẳng định.
Hôm 30/5, cộng đồng người bản địa Puutu Kunti Kurrama và Pinikura chỉ trích nhà khai thác mỏ Rio Rinto vì không đưa ra cảnh báo thiệt hại đối với các quần thể di tích nói trên.
Phát ngôn viên của cộng đồng người bản địa, ông Burchell Hayes cho biết Rio Rinto đã được thông báo về tầm quan trọng của các hầm đá hồi tháng 10/2019. Công ty này còn tuyên bố không có kế hoạch mở rộng dự án Brockman 4.
Hayes cũng cho biết cộng đồng người bản địa tiếp tục nhắc nhở Rio Rinto về ý nghĩa của khu di tích này hồi tháng 3 năm nay. Hayes khẳng định Rio Rinto không thông báo kế hoạch phá huỷ khu vực này.
Những người bản địa chỉ phát hiện ra thiệt hại khi tình cờ ghé thăm hẻm núi Juukan hôm 15/5. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại vụ và Đất đai Ben Wyatt cho biết ông không nhận được thông tin về vụ khai thác.
Đại diện về bảo vệ tài sản văn hoá và hoà bình của UNESCO, ông Peter Stone nhận định việc phá huỷ di tích khảo cổ tại hẻm núi Juukan là một trong những thiệt hại tồi tệ nhất của lịch sử đương đại, giống như việc Taliban đốt cháy các bức tượng Phật Bamiyan.
Chính quyền địa phương đang hy vọng dự luật Di sản Văn hoá Thổ dân tại Australia sẽ sớm được thông qua trong năm nay.