Quan chức này cho biết các tàu và máy bay của Australia sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực và hỗ trợ các quốc gia khác triển khai tương tự.
Về những động thái đang diễn ra trong khu vực, ông Barry O'Farrell cho rằng tất cả tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế và các hành vi cưỡng chế có thể dẫn đến leo thang.
Tàu hải cảnh Trung Quốc được cho có hành vi cưỡng chế và gây nguy hiểm tại Biển Đông trong những tuần gần đây. Ảnh: AP. |
Tuyên bố của cao ủy Australia tại Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái hung hăng ở Biển Đông trong những tuần gần đây, bao gồm hành vi đâm chìm tàu cá của Việt Nam, xua đuổi tàu chiến nước ngoài và cố ngăn chặn hoạt động thăm dò tại các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia châu Á khác.
Theo Economic Times, động cơ của các vụ việc này có khả năng do Bắc Kinh e ngại các doanh nghiệp sẽ rời Trung Quốc và chuyển sang đầu tư vào các quốc gia láng giềng sau đại dịch Covid-19.
Cao ủy O'Farrell bày tỏ quan ngại về "những hành động quấy phá hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác và việc sử dụng các tàu hải cảnh, còn được gọi là dân quân vũ trang biển, một cách cưỡng chế và gây nguy hiểm".
Ông kêu gọi "các bên hành động để giảm bớt căng thẳng và tạo dựng niềm tin, bao gồm cả thông qua đối thoại". Cao ủy Australia cho rằng cần phải tuân thủ các phán quyết pháp lý mang tính ràng buộc đối với các yêu sách trong khu vực. Australia sẽ hỗ trợ các quốc gia thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế.