Shell, công ty dầu khí lớn nhất châu Âu, cho biết hôm 28/2 rằng họ sẽ rút khỏi liên doanh với Gazprom - một tập đoàn khí đốt tự nhiên lớn của Nga, theo New York Times.
Động thái trên tiếp bước công ty dầu khí BP (trụ sở tại Anh). BP cho biết hôm 27/2 rằng sẽ bán gần 20% cổ phần đang nắm giữ trong Rosneft - công ty dầu khí có phần lớn vốn thuộc sở hữu của chính phủ Nga.
Shell đã có nhiều năm xây dựng mối quan hệ chiến lược với Gazprom, thậm chí cung cấp tài chính và sự đảm bảo cho dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối từ Nga đến Đức vốn gây nhiều tranh cãi. Việc Shell rút khỏi dự án trên mang tính biểu tượng lớn. Phía Đức đã dừng việc phê duyệt để dự án có thể đưa vào sử dụng.
Ben van Beurden, giám đốc điều hành của Shell, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi rất sốc và thương tiếc trước thiệt hại về nhân mạng ở Ukraine, (chúng) bắt nguồn từ hành động tấn công quân sự vô nghĩa”. Khoản đầu tư của công ty vào Nga trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Quyết định của Shell sẽ gây áp lực lên TotalEnergies, "gã khổng lồ" dầu khí của Pháp, và Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí của Mỹ, vốn cũng đang có các hoạt động kinh doanh với Nga.
Một công nhân làm việc tại giàn khoan của Gazprom ở Lensk, Nga vào tháng 10/2021. Ảnh: Bloomberg. |
Về BP, công ty này phụ thuộc vào Rosneft với khoảng một phần ba sản lượng dầu khí, và đối mặt với một khoản thất thu tiềm năng lên tới 25 tỷ USD khi chấm dứt hợp tác.
Ở một diễn biến khác, hôm 28/2, Equinor, công ty năng lượng do nhà nước Na Uy kiểm soát, cho biết họ sẽ "ngừng các khoản đầu tư mới vào Nga" và "bắt đầu quá trình rút lui" khỏi các liên doanh ở đó.
Các quyết định trên là một phần của quá trình đánh giá lại hoạt động kinh doanh của các công ty phương Tây tại Nga. Một số công ty sẽ cắt giảm hoạt động, hoặc quyết định rời đi hoàn toàn sau khi Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraine và phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Ngoài dầu khí, Nga cũng là thị trường lớn cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô từ phương Tây. Daimler Truck Holding AG, hãng sản xuất xe có trụ sở tại Đức, cho biết họ sẽ ngừng gửi các bộ phận lắp ráp cho đối tác liên doanh tại Nga. Volvo Car AB nói rằng họ sẽ ngừng kinh doanh tại Nga.
Ngoài ra, hãng xe Renault SA phải đóng cửa một nhà máy gần Moscow vì không có đủ phụ tùng, và Volkswagen AG đã tạm kinh doanh xe mang thương hiệu Audi tại Nga để điều chỉnh trước việc đồng rúp mất giá.
Các công ty phương Tây lớn khác có hoạt động kinh doanh ở Nga như Carlsberg A/S, công ty sản xuất rượu bia của Đan Mạch, hay Danone SA, công ty thực phẩm có trụ sở tại Pháp, cho biết vẫn tiếp tục bám trụ tại Nga, và sẽ theo dõi sát tình hình.
Nga vốn là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty phương Tây. Giờ đây, với các biện pháp trừng phạt, các công ty hoạt động ở Nga đang phải vật lộn với những thách thức mới từ hậu cần cho đến danh tiếng. Các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và ngân hàng Nga hiện gây nhiều khó khăn cho các công ty quốc tế hoạt động tại nước này.