Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty của ông Đặng Thành Tâm lún sâu vào khủng hoảng

Sau khi bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp thì trong 6 tháng đầu năm, CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) tiếp tục lỗ thêm gần 40 tỷ đồng.

 

Theo Báo cáo tài chính quý II/2016 vừa được Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn công bố thì doanh thu bán hàng chỉ đạt vỏn vẹn 473 triệu đồng nhưng giá vốn hàng bán lên tới 7,1 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ lỗ 6,6 tỷ đồng.

Sau khi cộng thêm các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay thì SQC lỗ sau thuế 9,9 tỷ đồng, giảm 69% so với con số 31,5 tỷ đồng của cùng kỳ quý II/2015.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SQC lỗ tổng cộng gần 40 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của công ty đã giảm 189 tỷ đồng, từ mức 1.287 tỷ đồng vào cuối năm 2015 xuống còn 1.098 tỷ đồng. Hạng mục tài sản lớn nhất của SQC là 705 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là khoản đầu tư 648 tỷ đồng vào CTCP Dịch vụ Viễn thông Sài Gòn.

 

Khoang san Sai Gon Quy Nhon lun sau vao khung hoang anh 1
Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn hiện là món nợ đeo đuổi ông Đặng Thành Tâm 

Câu chuyện thua lỗ của Khoáng Sản Sài Gòn - Quy Nhơn không phải là mới diễn ra trong năm 2016 mà đã xảy ra 3 năm trước đó. Trong 3 năm 2013, 2014 và 2015 SQC đã lỗ tổng cộng 244 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm 2013, tổng cộng tài sản của công ty giảm gần 600 tỷ đồng xuống còn 1.098 tỷ đồng vào thời điểm hiện tại.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Lan, Tổng Giám đốc của SQC thì thị trường titan thế giới giảm giá tới 70% và chưa có dấu hiệu hồi phục dẫn tới giá bán thấp hơn giá thành sản xuất là nguyên nhân gây ra thua lỗ tại công ty.

Ngoài ra, giấy phép mỏ hết hạn khai thác nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác mỏ nguyên liệu mới nên nhà máy của SQC phải tạm ngừng hoạt động từ cuối năm 2013. Bà Lan cho biết, chi phí đầu tư nhà máy của SQC rất lớn với quy mô sản xuất lớn nhất Việt Nam nhưng khi ngừng hoạt động thì mỗi năm công ty phải chịu chi phí khấu hao và các chi phí cố định khác hàng chục tỷ đồng.

Lối thoát của SQC sẽ còn gặp nhiều gian truân khi việc xin giấy phép khai thác mỏ mới là câu chuyện không dễ dàng và chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô trừ dầu mỏ và than đá vẫn còn tiếp diễn.

Thua lỗ 3 năm liên tiếp cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu SQC bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hủy niêm yết kể từ ngày 19/5 vừa qua để xuống giao dịch ở một sân chơi có đẳng cấp thấp hơn là sàn đăng ký giao dịch (UPCoM).

Chưa dừng lại ở đó, mới đây ngày 02/8, Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng vì đã thực hiện công bố thông tin không đúng thời hạn trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đối với báo cáo tài chính quý IV/2015.

Hiện tại, ông Đặng Thành Tâm là cổ đông lớn nhất tại SQC với tỷ lệ sở hữu 41,1%, tiếp theo là Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) do ông Tâm làm Chủ tịch nắm giữ 7,07%; CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn nắm giữ 5,84%.

CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn thành lập năm 2006 là công ty con của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Công ty chuyên về lĩnh vực khoáng sản như khai thác titan, quặng thô, luyện thép... Trước đây, SQC do bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái ông Đặng thành Tâm là Chủ tịch HĐQT. Bà Phượng hiện cũng đang sở hữu 4,79% vốn điều lệ công ty. Hồi đầu tháng 1 vừa qua, bà Phượng đã có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

 

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm