Được “cha đẻ ngành bán dẫn Đài Loan” sáng lập hơn 30 năm trước, TSMC giờ đây có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghệ.
Được “cha đẻ ngành bán dẫn Đài Loan” sáng lập hơn 30 năm trước, TSMC giờ đây có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ ngành công nghệ. Công ty này có thể khiến hàng loạt đối tác lo lắng mỗi khi gặp khó khăn.
Tin GlobalFoundries kiện TSMC ngày 27/8 làm ngành toàn bộ ngành bán dẫn chấn động. Với vị trí là công ty số 3 và số 1 về gia công chip, việc căng thẳng về bản quyền giữa hai công ty này có thể làm gián đoạn nguồn cung chip trên toàn thế giới.
Vụ kiện này cũng có thể khiến hàng loạt đối tác của TSMC, trong đó có Apple, Lenovo, Qualcomm, Nvidia bị cấm bán sản phẩm tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Đức.
“Ảnh hưởng lớn nhất từ vụ kiện này, nếu GlobalFoundries thắng là các đơn hàng nhập khẩu vào Mỹ, EU sẽ bị chặn lại. Riêng việc này là đủ để chặn đà hồi phục của ngành công nghệ vào năm 2020”, ông Dan Hutcheson, CEO của VLSI Research cho biết.
Khi trở về Đài Loan để sáng lập Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, Morris Chang đã gần 60 tuổi. Ông đã dành 25 năm làm việc tại Texas Instrument (TI), lên đến chức phó chủ tịch của công ty này. Dù vậy, danh tiếng của người đàn ông này vẫn không đủ để đảm bảo thành công của TSMC, công ty chuyên gia công bán dẫn đầu tiên trên thế giới.
“Lúc đó, chẳng ai nghĩ chúng tôi sẽ làm được gì”, Morris Chang kể lại. Tuy nhiên, chính sự nghi ngờ giúp cho TSMC hoạt động thoải mái mà không bị cạnh tranh gì trong suốt 8 năm, cho tới khi họ mở nhà máy bán dẫn đầu tiên tại Mỹ.
Thật khó tưởng tượng một công ty nhỏ bé, chỉ tập trung vào gia công sẽ có ngày vượt mặt gã khổng lồ ở thung lũng Silicon Intel. Tuy nhiên, họ đã thực sự làm được điều đó. Năm 2017, lần đầu tiên giá trị vốn hóa của TSMC vượt Intel. Cuối năm đó, khi Morris Chang thực sự về hưu ở tuổi 86, ông đã được tôn vinh là “cha đẻ ngành bán dẫn Đài Loan”.
“Với những người Đài Loan, Chang không chỉ là một kỹ sư và doanh nhân thành công. Ông đã góp phần đưa Đài Loan lên bản đồ công nghệ toàn cầu”, báo EE Times viết năm 2000.
Mẫu chốt thành công của TSMC chính là mô hình của họ. TSMC chọn trở thành công ty gia công cho mọi đối tác đã có thiết kế chip, cách hoạt động khác xa những công ty chip truyền thống như Intel. Morris Chang từng nói định hướng này giúp cho TSMC không phải cạnh tranh với khách hàng, đồng thời cũng không phải thay đổi cách hoạt động mặc thị trường công nghệ biến động như thế nào.
“Công ty tử tế là phải có nhà máy chip”, nhà sáng lập AMD Jerry Sanders từng nói. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh những công ty gia công như TSMC mới là lựa chọn với phần lớn đối tác công nghệ.
Ngày nay khách hàng của họ không chỉ là những tên tuổi như Apple, Qualcomm mà có cả AMD lẫn Intel, hai công ty đứng đầu về vi xử lý cho máy tính. Là công ty gia công chip số một thế giới, với thị phần xấp xỉ 50%, doanh thu mỗi năm của TSMC lên tới hàng chục tỷ USD.
Theo PwC, ngành công nghiệp bán dẫn có tổng doanh thu 481 tỷ USD trong năm 2018. Con số này có thể tăng lên gần 600 tỷ USD trong 4 năm nữa. Tuy nhiên, số lượng công ty thực sự có thể gia công, tạo ra những con chip không nhiều.
Lý do là số tiền đầu tư cho một nhà máy rất lớn. Cuối năm 2017, TSMC cho biết nhà máy mới nhất của họ để nghiên cứu, sản xuất chip trên tiến trình 3 nm có chi phí đầu tư tới 20 tỷ USD. Do vậy, hầu hết hãng công nghệ tìm đến những công ty gia công như TSMC.
Chính AMD, công ty từng tự hào vừa thiết kế, vừa sản xuất chip giờ cũng là khách hàng lớn của TSMC sau khi bán cổ phần ở GlobalFoundries.
“Đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất của chúng tôi. Nó cho phép chúng tôi quản lý rủi ro và tập trung làm sản phẩm tốt hơn”, CEO AMD Lisa Su cho biết.
Là công ty gia công chip, TSMC không hề giới hạn khách hàng của mình. Theo Bloomberg, xu hướng của nhiều công ty lớn là tự phát triển chip cho riêng mình. Tháng 11/2018, Amazon công bố vi xử lý máy chủ đầu tiên có tên gọi Graviton, do TSMC gia công. Con chip này có hiệu năng tương đương nhưng rẻ hơn chip của Intel đến 40%. Theo phó chủ tịch Amazon Web Services Matt Garman, không có TSMC, Amazon khó đạt được mục tiêu làm chip của riêng mình.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của TSMC vài năm qua, không phải ngẫu nhiên, cũng trùng khớp với sự tiến bộ về công nghệ xử lý trên smartphone. Theo Bloomberg, chính sự tiến hóa của smartphone đã giúp cho công ty này vượt lên, trong khi những đối thủ như Intel chưa kịp tham gia cuộc chơi mới.
Xét về tổng doanh thu, thị trường smartphone hiện nay gấp 6 lần máy tính cá nhân. Khách hàng của TSMC là những ông lớn trong làng di động. Riêng Apple đã từ bỏ Samsung, chọn TSMC là nhà sản xuất duy nhất cho những chip Apple A họ thiết kế. Chip của Apple chiếm tới 75% lượng chip 7 nm do TSMC sản xuất, theo EE Times. Công ty này sẽ tiếp tục giữ vị trí độc quyền sản xuất chip cho Apple tới ít nhất là năm 2020.
“TSMC có thể liên tục sản xuất những con chip mới nhất kịp thời, không gặp lỗi”, Mark Li, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein nhận xét. Theo ông Li, đây chính là lý do TSMC có thể thách thức vị trí của Intel trong lĩnh vực gia công chip.
TSMC cũng sẵn sàng đáp ứng chip cho những ngành kinh doanh mới. Năm 2017, khi cơn sốt tiền số tăng cao, TSMC đã kiếm được gần 1 tỷ USD từ các loại chip cho máy đào. Có 60% lượng chip của Bitmain đến từ TSMC.
Ngoài lợi thế về xuất phát sớm, TSMC chiếm vị trí số 1 trong ngành gia công bán dẫn chủ yếu nhờ vào sự vượt trội về công nghệ. Ví dụ dễ thấy nhất là khả năng triển khai sản xuất ở những tiến trình mới.
Năm 2013, khi Intel bắt đầu sản xuất trên tiến trình 14 nm, TSMC mới áp dụng tiến trình 20 nm. Đến năm 2019, Intel mới giới thiệu những CPU đầu tiên dùng tiến trình 10 nm, trong khi TSMC đã gia công chip 7 nm cho khách hàng từ cuối năm 2018.
Năm 2018, công ty này chi 2,75 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển. Con số này khá nhỏ so với số tiền hơn 10 tỷ USD của Intel, nhưng họ có lợi thế lớn là các đối tác. Theo Goldman Sachs, chi phí nghiên cứu của các đối tác lớn như Qualcomm, Apple, Nvidia, Huawei sẽ đạt 20 tỷ USD vào năm 2020, nhiều hơn ít nhất 4 tỷ USD so với ngân sách của Intel.
Các đối tác của TSMC không tiếc tiền đầu tư vào nghiên cứu, bởi chính họ cũng cần tạo ra những con chip mạnh mẽ hơn, vượt trội hơn các đối thủ. Thiết kế và gia công giờ không còn là hai quy trình tách biệt, mà các công ty phải hợp tác rất chặt chẽ với nhau.
“Một thập kỷ trước, khách hàng chỉ việc đưa ra một thiết kế đơn giản và nhà máy sẽ gia công cho họ. Giờ đây thiết kế phức tạp hơn rất nhiều”, ông Mark Liu, Chủ tịch TSMC chia sẻ. Theo ông Liu, các đối tác giờ đây hợp tác với “hệ sinh thái” của TSMC nhiều năm mới có thể làm ra một con chip hoàn chỉnh.
Bitmain, công ty sản xuất máy đào tiền số từng dành ra tới 3 năm, cử kỹ sư tới TSMC để cùng phát triển con chip ASIC dùng cho những máy đào của họ. Đây chỉ là một trong số cả trăm công ty đang hợp tác với TSMC. Với những chi phí đầu tư như vậy, khách hàng chắc chắn sẽ muốn gắn bó với TSMC thay vì phải chuyển đổi sang công ty gia công khác.
“TSMC đang ở trong hoàn cảnh không thể tốt hơn. Họ có doanh thu ổn định từ các đối tác như Apple, khi công ty này không muốn hợp tác với đối thủ như Samsung, để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển với con số mà các đối thủ không thể so được. Điều này giúp công nghệ của họ vượt trội, từ đó càng thu hút thêm nhiều khách hàng”, Economist nhận định.
“Họ hoạt động như một kiểu tiên tri tự ứng nghiệm. Họ là công ty số một, và những công ty hàng đầu sẽ tự tìm đến với nhau”, bà Debora Shoquist, Phó chủ tịch vận hành của Nvidia chia sẻ.
Sự phụ thuộc của cả ngành công nghệ vào khả năng gia công của TSMC là lý do khiến ngành bán dẫn rúng động khi GlobalFoundries kiện TSMC. Công ty gia công chip có trụ sở tại Mỹ đi sau về công nghệ, tuyên bố dừng phát triển tiến trình 7 nm từ năm 2018. Hành động kiện được cho là “mượn gió bẻ măng”, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn.
“GlobalFoundries muốn khắc họa hình ảnh châu Á hưởng lợi từ các tiến bộ công nghệ của phương Tây. Đây là một hành động tuyệt vọng của họ để kiếm lời từ những công nghệ, khi họ đã chịu thua trong cuộc chạy đua về tiến trình sản xuất và dừng tham gia ngành sản xuất công nghệ cao từ năm ngoái”, Mark Li, nhà phân tích tại Bernstein Research nhận xét.
Tuy các nhà phân tích cho rằng khả năng thắng kiện của GlobalFoundries không lớn, vụ kiện này cho thấy rõ tầm ảnh hưởng của TSMC trong làng công nghệ. Nếu TSMC thua cuộc, hàng loạt ông lớn sẽ bị ảnh hưởng, cấm bán sản phẩm ở các thị trường lớn.
“Chính TSMC đang khiến cho khách hàng của họ và cả chuỗi cung ứng gặp nguy cơ”, lời cảnh báo từ Phó chủ tịch Sam Azar của GlobalFoundries cho thấy ngành công nghiệp đang phụ thuộc vào công ty Đài Loan như thế nào.
Đến giờ, chưa công ty nào cạnh tranh lại được với TSMC. GlobalFoundries không còn thế mạnh về mặt công nghệ. Intel thậm chí còn không sản xuất kịp CPU cho chính mình, phải hợp tác với Samsung để làm CPU.
Samsung có lẽ là thách thức lớn nhất với TSMC khi cả hai đều đã sản xuất được ở tiến trình 7 nm. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc vẫn đi sau TSMC về công nghệ khi chỉ bắt đầu hướng đến lĩnh vực gia công khi doanh thu chip nhớ đi xuống từ năm 2018. Bên cạnh đó, Samsung cũng trực tiếp tham gia vào quá nhiều thị trường, có thể cạnh tranh với chính đối tác của mình.
“Samsung có lẽ cũng muốn gia công chip cho Apple, nhưng hiện tại danh mục linh kiện họ cung cấp cho iPhone đã quá nhiều”, nhà phân tích Brett Simpson của Arete Research bình luận. Trong khi đó, TSMC luôn khẳng định tôn chỉ không bao giờ cạnh tranh với khách hàng của mình.
“Niềm tin được hình thành trong rất nhiều năm, chứ không đơn giản như một tờ giấy”, Mark Li, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein nhận xét.
Thị trường bán dẫn với những rào cản cao về công nghệ, niềm tin sẽ sớm trở thành chiến trường mà “kẻ thắng có tất cả”, theo nhà phân tích Randy Abrams và Haas Liu của Credit Suisse. TSMC đang đứng đầu, và đó là lý do họ trở thành đích nhắm.
“Nếu GlobalFoundries thắng kiện TSMC, những công ty gia công công nghệ cao khác sẽ trở thành các đối tượng tiếp theo”, Dan Hutcheson, CEO của VLSI Research nhận xét.