Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Công trình đồ sộ về La Mã giúp sử gia đoạt Nobel Văn học

Sau hơn 100 năm kể từ khi Theodor Mommsen qua đời, độc giả Việt Nam lần đầu đón đọc tác phẩm của ông, chúng ta đều ghi nhớ lời ông chia sẻ: "Không có đam mê, không có thiên tài".

Câu chuyện về những người đoạt giải thưởng Nobel Văn học có nhiều điều thú vị. Có người thì từ chối nhận giải như Jean-Paul Sartre (1964), có người thì được truy tặng sau khi mất như Karlfeldt (1931), và có cả sự vụ hy hữu: một tác giả không phải là văn sĩ được trao giải thưởng Nobel Văn học.

Ngay trong lần thứ hai trao giải vào năm 1902, giải thưởng Nobel Văn học lại thuộc về một người vốn dĩ được xem là nhà sử học hơn là nhà văn: Ông Theodor Mommsen, người Đức.

Vào thời điểm đó, trên văn đàn thế giới còn không ít ứng cử viên sáng giá, như nhà văn Nga Lev Tolstoy, nhưng do Ủy ban xét giải Nobel không chấp nhận một số quan điểm của Tolstoy nên họ đành phải mở rộng phạm vi xét giải sang các tác phẩm… lịch sử. Rốt cuộc, nhà sử học Theodor Mommsen bấy giờ đã ở tuổi 85 bất ngờ được nhận giải thưởng văn học danh giá.

Lich su La Ma anh 1

Tranh vẽ Theodor Mommsen.

Giải Nobel Văn học thường trao cho thành tựu trọn đời của một tác giả, nhưng Mommsen là một trong số chín khôi nguyên Nobel (tính đến năm 2024) có tác phẩm được nhắc đến để vinh danh đặc biệt, và tác phẩm đó chính là Lịch sử La Mã. Ủy ban Nobel đã tuyên bố: “Giải Nobel Văn học 1902 được trao cho Christian Matthias Theodor Mommsen, "bậc thầy vĩ đại nhất đương thời trên lĩnh vực viết sử, đặc biệt vinh danh công trình bất hủ, Lịch sử La Mã".

Mới đây, bộ Lịch sử La Mã được xuất bản tiếng Việt qua phần dịch và giới thiệu của dịch giả Nguyễn Quí Hiển, Đông A và Nhà xuất bản Văn học phát hành.

Trong phần Lời giới thiệu in ở đầu bộ sách, dịch giả Nguyễn Quí Hiển đã nêu thông tin, phân tích những đóng góp của Theodor Mommsen.

Christian Matthias Theodor Mommsen (30/11/1817 - 1/11/1903) thường được coi là một trong những tác gia cổ điển vĩ đại của thế kỷ XIX.

Theodor Mommsen đã viết một khối lượng tác phẩm khổng lồ (danh mục các công trình lớn nhỏ của ông lên đến con số 1.513). Ông đã cách mạng hóa việc nghiên cứu lịch sử La Mã, đặt nền móng cho việc nghiên cứu một cách có hệ thống chế độ quyền lực, kinh tế và tài chính của nhà nước La Mã.

Lich su La Ma anh 2

Bộ sách Lịch sử La Mã. Ảnh: Tuấn Bình.

Lịch sử La Mã là một trong những tác phẩm sử dụng phương pháp luận lịch sử mới. Mommsen truy xét cẩn thận các sử liệu truyền thống này, so sánh và đối chiếu với các sử liệu sơ cấp khác, chủ yếu đến từ bi ký học, mà ông là một trong những chuyên gia có thẩm quyền trên thế giới; bên cạnh đó, ông cũng từ bỏ quan điểm lý tưởng hóa thời kỳ Hy-La cổ đại, vốn có từ giai đoạn Phục Hưng ở châu Âu.

Giải Nobel đến với Mommsen vừa kịp lúc để vinh danh một con người gần như là huyền thoại trong giới hàn lâm đương thời, bởi chỉ chưa đầy một năm sau ngày nhận giải, Mommsen trút hơi thở cuối cùng ở Brandenburg, khi ông gần 86 tuổi.

Sau hơn một trăm năm kể từ khi tác giả qua đời, độc giả Việt Nam lần đầu đón đọc tác phẩm của ông, và tất cả chúng ta đều ghi nhớ lời ông chia sẻ: “Không có đam mê, không có thiên tài”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguyễn Tuấn Bình

Bạn có thể quan tâm