Một số hộ dân cho biết, khuya 10/5, hàng chục hộ dân trên đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) đang ngủ thì hốt hoảng thức dậy tháo chạy ra ngoài. Lúc này, các căn nhà rung lắc dữ dội kèm theo những tiếng động lớn, bụi từ trần rớt xuống.
Sắt thép nằm ngổn ngang tại nơi sụt lún. Ảnh: Lê Trai |
Sau đó, nguyên nhân được xác định là do công trình xây dựng tòa nhà Vinacomin (do Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư) đang thi công gần đó phần móng thì xảy ra sự cố sụt lún địa chất. Điều này khiến dãy nhà khoảng 22 căn xung quanh bị ảnh hưởng, nứt toát. Nhiều em bé, cụ già vất vưởng suốt đêm ngoài đường vì không dám quay lại nhà.
Ngày 13/5, sau 4 ngày xảy ra sự cố, phóng viên đến hiện trường ghi nhận vụ việc. Theo quan sát, trong số 22 hộ bị ảnh hưởng thì có 8 căn hỏng nặng không thể ở, mặt đường Ung Văn Khiêm cũng bị nứt nẻ kéo dài nhiều đoạn, tạo thành rãnh lớn. Các căn hộ phía bên kia đường cách đó khoảng 30 m cũng bị nứt tường, hư hỏng một số vị trí ở bậc tam cấp, cửa ra vào.
Toàn bộ nhà ở cho công nhân bên trong công trình bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn. Vị trí xảy ra sự cố ngổn ngang sắt thép, công nhân tạm thời được cho nghỉ, công trình ngưng hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Lựu (57 tuổi) chưa hết bàng hoàng kể: “Khi vợ chồng tôi với 4 đứa con cùng 2 cháu ngoại đang ngủ thì căn nhà rung lắc dữ dội như bị động đất. Lúc này một bảo vệ đập cửa với giọng hốt hoảng 'ra ngoài, sập nhà'. Tôi vội kêu hết mọi người dậy, chồng tôi dìu đứa con gái 21 tuổi bị bại não tháo chạy ra ngoài”.
Cũng theo bà Lựu, sau khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư có tới gặp người dân và nói mọi người dọn ra ngoài thuê khách sạn để tá túc, họ sẽ trả toàn bộ chi phí. Tuy nhiên cho tới thời điểm này các hộ dân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Người dân không có tiền, công ăn việc làm bị gián đoạn đã bất chấp nguy hiểm quay lại căn nhà đang có nguy cơ đổ sập để ở, nước sinh hoạt cũng phải đi xin từng thùng vì đường ống hư hỏng.
Nhà ở cho công nhân đổ sập. Ảnh: Lê Trai |
“Công ty không nói bao giờ sẽ khắc phục xong nhà cho tôi, chỉ bảo là ra thuê khách sạn để ở nhưng ở 3 hôm rồi mà không thấy họ nói gì. Tôi phải trả 1,8 triệu đồng tiền thuê khách sạn cho 3 ngày ở. Tôi phải về nhà ở chứ không còn tiền để trả, có ra sao thì ra”, bà Nguyễn Thị Thuận (80 tuổi, có con là liệt sĩ) chia sẻ.
Ông Dương Hồng Thắng - Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, quận đã tạm đình chỉ thi công công trình này và làm việc với chủ đầu tư để tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn tính mạng cho các hộ dân.
“Đây là sự cố bất khả kháng nên khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư đã thống nhất chi trả chi phí thuê chỗ ở tạm cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Riêng khoản tiền hỗ trợ do ngưng hoạt động buôn bán đột xuất cần phải thương lượng mức hỗ trợ phù hợp”, ông Thắng thông tin thêm.