Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Công thức' làm 600 km metro ở Hà Nội

Phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) là chìa khóa để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị.

Theo đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn 2024 - 2045, TP Hà Nội dự kiến hoàn thiện khoảng 12 tuyến đường sắt đô thị (khoảng 600 km) với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ USD. Trong đó, từ nay đến năm 2030 cần 14,6 tỷ USD để hoàn thành 96km; giai đoạn 2031-2035, cần 22,5 tỷ USD làm 301 km; giai đoạn 2036-2045 cần 18,2 tỷ USD làm 200 km.

metro Ha Noi anh 1

Sau 15 năm xây dựng, vào tháng 8/2024, Hà Nội đã đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao vào khai thác thương mại. Ảnh: Phan Anh.

Gần 20 năm triển khai mới có hai tuyến đường sắt đô thị

Thực tế cho thấy, việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn. Qua gần 20 năm triển khai, trên địa bàn thành phố hiện có hai tuyến đường sắt đô thị (Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội) hoạt động. Do vậy, nếu vẫn xây dựng như phương án hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng rất khó để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị như quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn từng nêu thực tế tính cả quá trình đầu tư, hai tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông mất từ 10-15 năm mới đưa vào khai thác thương mại. “Giả thiết có 10 tuyến và làm theo phương pháp từng tuyến một thì chúng ta phải mất khoảng 100 năm may ra mới hoàn thành, quá bất cập”, ông Tuấn lo ngại.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng từng nêu thực tế tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội xây dựng 15 năm chưa xong (đang xây dựng đoạn đi ngầm). Do vậy, theo ông Thanh, không nên làm từng tuyến một như hiện nay, mà cần làm tổng thể các tuyến đường sắt như quy hoạch.

Gửi tham luận tới Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Hà Nội là một trong các thành phố có mật độ dân số lớn trên thế giới với hơn 8,5 triệu người đang sống và làm việc. Với quá trình đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng về dân số, Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhằm giảm thiểu sự ùn tắc và vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội không đạt mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố trong thời gian qua. Do đó, theo ông Khuất Việt Hùng, nhu cầu xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để giải quyết các vấn đề trên cho Thủ đô.

metro Ha Noi anh 2

Sau gần 20 năm xây dựng, đến nay, Hà Nội mới có hai tuyến đường sắt đô thị hoạt động. Ảnh: Thạch Thảo.

Cơ hội lịch sử để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị

Để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội, theo ông Khuất Việt Hùng, thành phố phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cho đường sắt thông qua nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và khai thác hiệu quả từ quỹ đất. Ngoài ra, Trung ương cũng cần bổ sung ngân sách cho TP Hà Nội để đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Các cơ quan chức năng cần cho phép TP Hà Nội căn cứ Quy hoạch chung Thủ đô hoặc Đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư xây dựng dự án các tuyến đường sắt đô thị.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng cần quy hoạch khu vực phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) theo tỷ lệ 1/2000 để quản lý, dự trữ đất cho phát triển đường sắt đô thị và phát triển đô thị trong khu vực TOD.

Về vấn đề phát triển mạng lưới đường sắt theo mô hình TOD, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, đây là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển đô thị năng động, bền vững. Đây là một mô hình quy hoạch đô thị tiên tiến, tận dụng tối đa hệ thống giao thông công cộng với lượng người sử dụng lớn.

Theo ông Nguyễn Cao Minh, Hà Nội đang đứng trước một cơ hội lịch sử để triển khai TOD trong chiến lược phát triển đô thị dài hạn. Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng. Điều này còn là chìa khóa gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới.

“Điều này không chỉ giúp thành phố tận dụng hiệu quả các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông công cộng như đường sắt đô thị, mà còn cải thiện nguồn cung nhà ở hiện có, đồng thời phát triển thêm nhà ở mới cùng các trung tâm kinh tế quanh các nút giao thông chiến lược”, ông Nguyễn Cao Minh chia sẻ.

Vận hành thử Metro số 1 TP.HCM

Trong hai tháng vận hành thử, các tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ chạy giống như vận hành thương mại sau này với khoảng cách giữa các chuyến là 4 phút 30 giây.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế làm 400 km metro

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Thủ tướng ban hành cơ chế, chính sách "đặc thù, đột phá" để hoàn thiện hơn 10 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài khoảng 400 km.

Ngắm tuyến Metro Hà Nội trị giá 35.000 tỷ đồng trước ngày vận hành

Tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến sẽ vận hành từ ngày 9/8 và miễn phí vé trong 15 ngày đầu tiên cho hành khách trải nghiệm.

Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội

Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.

Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

https://vietnamnet.vn/cong-thuc-lam-600km-metro-o-ha-noi-2331383.html

Quang Phong/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm