Ngày 11/4, CNN dẫn lời các quan chức Mỹ và phương Tây nói rằng Tổng thống Trump đã "tweet" về việc tấn công Syria trong lúc Washington vẫn chưa đạt được thỏa thuận với các đồng minh về phương án trả đũa cuộc tấn công, được cho sử dụng vũ khí hóa học, ở Syria vào tuần trước.
Việc Tổng thống Trump làm cả nhân viên và các đồng minh ngỡ ngàng với những dòng "tweet" vào buổi sáng không phải chuyện gì lạ, ông thường làm vậy sau khi xem chương trình TV vào buổi sáng. Dù vậy, việc dùng Twitter để nói về kế hoạch quân sự của chính quyền Mỹ là điều Trump từng tuyên bố ông sẽ không bao giờ làm.
Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao khác nói rằng các cố vấn của tổng thống bị bất ngờ trước tuyên bố trên Twitter và nói rằng nó "đáng báo động" cũng như "gây nhiễu loạn". Sau đó, họ tiếp tục thảo luận với Lầu Năm Góc về các phương án cho Syria "như thể chưa có chuyện gì xảy ra".
Các cộng sự đã quen với những tuyên bố bất ngờ của tổng thống, nhưng đây là lần đầu tiên ông nói về kế hoạch quân sự trên Twitter. Ảnh: Reuters. |
Trump tuyên bố rồi, Nhà Trắng vẫn họp
Cuối ngày 11/4, Nhà Trắng đính chính rằng họ vẫn chưa đạt được quyết định trong phương án ứng phó lại cuộc tấn công ở Syria.
"Chúng tôi vẫn nói rằng mình có nhiều phương án và tất cả các phương án đều đang được bàn thảo. Quyết định cuối cùng vẫn chưa có", thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói. "Tổng thống có nhiều phương án để tùy nghi sử dụng và tất cả đều đang được thảo luận".
Chiều 11/4, các quan chức quân sự cấp cao đến Nhà Trắng để thảo luận về các phương án dành cho Syria, theo tiết lộ của các quan chức. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, được nhìn thấy bước vào Nhà Trắng vào đầu giờ chiều và ra về khoảng 2 giờ sau đó.
Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết Phó tổng thống Mike Pence đã chủ trì một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận tình hình Syria.
Những cuộc gặp trên diễn ra sau dòng "tweet" của Tổng thống Trump rằng "tên lửa đang đến Syria".
Guardian nhận định rằng lời đe dọa của ông Trump là điều "chưa từng thấy từ một tổng thống Mỹ hiện đại, (lời đe dọa) được kích hoạt nhờ một câu nói có thể đã bị dịch sai".
Thư ký báo chí Nhà Trắng đã phải chật vật để giải thích ý của tổng thống sau khi ông dọa tấn công Syria. Ảnh: Reuters. |
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện, cho biết quốc hội chưa nghe gì về việc tổng thống sắp hành động ở Syria.
"Tôi không biết gì. Với tôi, mọi thứ chỉ như những lời dọa nạt", ông nói. "Rồi tôi thấy một dòng 'tweet' về việc hợp tác với Nga ngay sau khi chúng tôi nói sẵn sàng ném bom vào (đồng minh của) họ. Ý tôi là, ai mà biết được? Có quá nhiều điều chính phủ tuyên bố rồi không làm".
Điện Kremlin ra tuyên bố rằng họ "không làm ngoại giao Twitter".
Chờ đợi đồng minh
Washington Post nhận xét tiến trình ra quyết định để phản ứng lại vụ tấn công ở Syria đã diễn ra khá bình tĩnh, được cân nhắc kỹ càng, trừ dòng "tweet" của Trump.
Tổng thống Trump vẫn đang trong quá trình tham vấn với các đối tác của Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May về việc đáp trả cuộc tấn công ở Syria. Các quan chức cho hay các lãnh đạo vẫn chưa thống nhất về quy mô hay thời gian đáp trả, vì thế các cuộc không kích nếu xảy ra cũng không thể bắt đầu cho đến cuối tuần này.
Trump đang thúc ép các đối tác và cả cấp dưới lên kế hoạch cho việc trả đũa xa hơn là những cuộc tấn công như ông đã làm vào thời gian này năm ngoái, cũng nhằm đáp trả một vụ tấn công hóa học. Khi đó, các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của chính quyền Assad không làm suy yếu được khả năng của Syria, các bản tin sau đó cho thấy không lâu sau khi Mỹ ngừng không kích, máy bay lại cất cánh từ căn cứ đó.
Nhà Trắng vẫn đang đợi ý kiến từ các đồng minh để ra quyết định phương án trả đũa đối với vụ tấn công ở Syria tuần trước. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức cho biết lần này, tổng thống Mỹ muốn một cuộc trả đũa mạnh tay hơn, với mục đích là để ngăn chặn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành tiếp những cuộc tấn công mà Mỹ cáo buộc là do al-Assad đứng sau. Tuy nhiên, vấn đề còn khúc mắc là quy mô của cuộc đáp trả này và liệu các đồng minh của Mỹ sẵn sàng "chung tay" đến đâu.
Các quan chức Mỹ lo rằng quy trình phê duyệt ở nghị viện Anh có thể cản trở việc London tham gia vào việc phản ứng này với Mỹ. Dù vậy, đến ngày 11/4, Thủ tướng May tỏ ra chắc chắn hơn về quyết tâm được góp sức với các đồng minh. Bà vẫn chưa nói liệu có xin phép nghị viện không.
Trong khi đó, ở Pháp, Tổng thống Macron sẽ không xin phép quốc hội trước khi tiến hành tấn công, ông miêu tả việc sử dụng vũ khí hóa học là một "lằn ranh đỏ" và không thể vượt qua.