Sau 3 trận cầu liên tiếp thất bại, mới đây nhất là màn đọ sức giữa HAGL và đội bóng đàn anh Hải Phòng vừa kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về Hải Phòng, hẳn nhiều CĐV của đội bóng phố núi cảm thấy buồn lòng với những gì họ mong đợi.
Tuy nhiên, liệu câu chuyện có thực sự đáng buồn khi chúng ta quá trông đợi điều gì đó để rồi thất vọng khi không đạt được nó? Cụ thể hơn, liệu người hâm mộ có tự đặt câu hỏi vì sao họ buồn khi HAGL hay Công Phượng không tạo được chiến thắng tiếp theo sau 2 lần thất bại? Và nỗi buồn đó liệu có đúng?
Công Phượng không phải siêu nhân
Chúng ta ghi nhận việc thế hệ cầu thủ mới là lứa U19 năm vừa rồi đã đem lại sự khởi sắc cho bóng đá Việt Nam. Đó là tình yêu với bóng đá nước nhà được nuôi dưỡng và hâm nóng trở lại, khán giả Việt cảm thấy háo hức mong chờ để xem các cầu thủ đá và vui buồn cùng những trận cầu. Đó là cái được đầu tiên mà các cầu thủ trẻ, trong đó có HAGL đã mang lại diện mạo mới cho môn thể thao vua.
Tuy nhiên, người ta khó ngờ được, những thành công ban đầu đó lại mang đến quá nhiều mới mẻ khiến các cầu thủ trẻ ngỡ ngàng, đó là việc vô tình trở nên quá nổi tiếng, đặc biệt là Công Phượng. Tiền đạo xứ Nghệ sẽ là người ngạc nhiên nhất khi trở thành tâm điểm của sự chú ý, vô hình chung lại là chiếc gông đeo vào cổ của mầm non mới chớm.
Công Phượng cần thời gian để thích nghi với những "đợt sóng mới" trong sự nghiệp và đời sống cá nhân. Ảnh: Tùng Lê |
Từ một cậu bé nhà quê chân chất, với niềm yêu thích bóng đá và chỉ bóng đá, Phượng lớn lên và phát triển tài năng như lẽ tự nhiên và gần như bản năng.
Công Phượng là người bình thường, có quyền sống với đam mê của mình nhưng vô tình những hào quang quá sớm của sự ca tụng và sức mạnh của truyền thông xã hội đã đẩy cậu lên mức quá cao. Đây có thể gọi là những giá trị ảo, lớn và quá xa so với hiện thực.
Niềm yêu thích bóng đá và hâm mộ các chân sút tài năng là có thật nhưng bên cạnh đó có không ít ảo tưởng, sự ngộ nhận, phong trào. Với tâm lý đám đông, có không ít người chạy theo cái nhiều người thích, và họ coi đó là một thứ “mốt”, thời thượng. Không quá ngạc nhiên để thấy Công Phượng hay HAGL được “theo đuổi” như các ngôi sao trong showbiz.
Sự nổi tiếng bất đắc dĩ tạo áp lực vô cùng lớn lên các cầu thủ trẻ, bởi để bảo vệ hình tượng, khán giả đã buộc họ phải hoàn hảo và luôn chiến thắng. Thế nhưng họ không nghĩ rằng ở độ tuổi nào sẽ có độ chín muồi của lứa tuổi đó, không phủ nhận những tài năng vượt tuổi nhưng nhìn chung đều nằm trong quy luật, không thể chín ép hay đốt cháy giai đoạn được.
Dù vừa chập chững bước vào giải đấu chuyên nghiệp của đàn anh nhưng các cầu thủ trẻ đã phải gồng mình gấp 2-3 lần các cầu thủ của các đội bóng khác để vừa hướng tới mục tiêu chiến thắng vừa phải thể hiện sự cống hiến với lối đá đẹp mắt không chút phạm lỗi.
Với Công Phượng, một chàng trai 20 tuổi còn quá trẻ đối với sự nghiệp và tuổi đời. Kinh nghiệm sống non nớt có thể khiến cậu khó lòng một sớm một chiều đối mặt với những chuyện không đâu xảy đến. Những điều đó không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng lên tâm lý thi đấu, cậu là người bình thường nên cảm xúc lấn át lý trí là chuyện dễ hiểu. Có chăng mọi người nên nhìn ở tiềm năng nơi cầu thủ này thay vì tập trung những chuyện bên lề muôn thuở mà ngôi sao bóng đá nào cũng có lúc mắc phải.
Việc trận đấu gặp Hải Phòng lần này được cho ngồi băng ghế dự bị gần hết trận đấu cũng là cách thầy Giom của cậu cho cậu thời gian nghỉ ngơi, ngắm nhìn những sai lầm của đồng đội để biết khắc phục và giảm bớt áp lực lên vai cầu thủ nhiều tài năng và sớm nổi tiếng.
Hơn thế, HAGL là của một tập thể, thành công là của sự phối hợp chung, thất bại là sai lầm của từng cá nhân, không phải riêng một ai, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ai. Công Phượng sẽ cần thời gian để ổn định lại tâm lý và tập quen dần với những đợt sóng tiếp theo của nghề bóng và nghề của “người công chúng”.
Các cầu thủ HAGL còn quá trẻ, có quyền thất bại
Có câu nói khá đúng trong bóng đá: “Các bạn không bên tôi những lúc thất bại, cũng đừng bên cạnh lúc tôi thành công”, trong bóng đá không gì là không thể nên việc mọi người hướng niềm tin và sự chú ý và một đội bóng sẽ tạo nên sự thiên lệch.
Sự mất cân bằng về tình cảm đó sẽ khiến những người được yêu thương quá mức ngột ngạt và áp lực, trong khi có những người cần niềm tin lại không được nhiều.
Đội bóng của bầu Đức còn trẻ, họ có quyền mắc sai lầm. Ảnh: Tùng Lê |
Không thể phủ nhận, nhờ sức ép của công chúng, sự nổi tiếng vượt bậc của các cầu thủ trẻ HAGL đã tạo nên sự tranh đấu quyết liệt muốn chứng tỏ mình của các cầu thủ đội bóng khác cùng lứa và thế hệ đàn anh. Có cạnh tranh mới có phát triển, việc chạy đua với lứa cầu thủ trẻ này phần nào thay đổi tư duy bóng đá cũ kỹ trong nhiều năm của bóng đá Việt Nam. Vậy tại sao không xem HAGL là đòn bẩy để thúc đẩy sự đi lên cho bóng đá nước nhà thay vì đặt áp lực quá sớm lên vai người trẻ? Họ còn trẻ, có quyền mắc lỗi, sửa lỗi và dần tự hoàn thiện mình. HAGL nói chung và Công Phượng nói riêng cần có thời gian để thích nghi với sự nổi tiếng đến quá sớm và học hỏi đàn anh qua mỗi trận bóng.
Hơn hết, người hâm mộ vẫn đặt trọn niềm tin vào lứa cầu thủ này và mong họ giữ gìn phong độ để cống hiến những trận bóng đẹp và đầy nghệ thuật. Mong Công Phượng và các tuyển thủ HAGL chớ gục ngã trước những góc cua nhỏ trên đường đời.