Những thống kê nói rằng Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đang trải qua những ngày tháng đen tối.
Công Phượng vẫn chưa hồi phục chấn thương từ VCK U23 châu Á hồi tháng 1/2016. Số lần ra sân 0. Tuấn Anh đến Yokohama đã 3 tháng, chưa được đăng ký lần nào. Xuân Trường khá nhất trong 3 người, được ra sân 2 trận ở giải dự bị R.League, chưa từng được đăng ký K.League Classic.
Hãy vặn đồng hồ ngược về một năm trước, Công Phượng đá chính 22 trận tại V.League, khoác áo tất cả đội tuyển từ U19, U23 tới tuyển quốc gia, chơi khoảng 40 trận trong năm ấy. Tuấn Anh và Xuân Trường đá ít hơn, chỉ khoảng... 30 trận.
Từ những cầu thủ đá chính, họ phải làm quen với băng ghế dự bị. Từ vị trí không thể thay thế, họ trở thành phương án hai, phương án ba. Là ngôi sao ở Việt Nam và là vô danh ở Nhật Bản. Tuổi 21 của họ đang phải đương đầu với quá nhiều thử thách.
HLV Hữu Thắng lo ngại về phong độ của 3 cầu thủ HAGL khi họ không có suất đá chính. Ảnh: Phương Thủy. |
Hệ thống giải trẻ ở các quốc gia được lập nên để tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ ra sân thi đấu. Với các tài năng trẻ, được thi đấu là cách nhanh nhất giúp họ tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành về chuyên môn.
Việc phải ngồi ngoài trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng tới phong độ của họ. Nó còn tác động đáng kể tới tâm lý của những người trẻ - vốn chưa hoàn toàn trưởng thành và hiếm khi phải đối diện với nghịch cảnh.
Hãy nhớ rằng đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, bộ ba Hoàng Anh Gia Lai phải đối diện với từng ấy thử thách. Đây là lần đầu tiên họ không còn lựa chọn số một trong đội hình, lần đầu tiên phải cạnh tranh vị trí, lần đầu tiên đối diện với một môi trường mới, một triết lý mới hoàn toàn khác.
Trước đây, Hoàng Anh Gia Lai, U19 Việt Nam xây dựng lối chơi quanh họ. Bây giờ, họ phải thích nghi với lối chơi của đội bóng mới. Trước đây, bầu Đức từng bán cầu thủ để họ có suất thi đấu. Bây giờ, họ phải tự đánh bại đối thủ bản địa nếu muốn được ra sân.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp non trẻ của mình, những chàng trai JMG phải một mình đối mặt với tất cả. Hãy tưởng tượng rằng Mito Hollyhock, Yokohama hay Incheon United giống như những hoang đảo và Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là hành khách trôi dạt vào bờ.
Xuân Trường khá hơn 2 đồng đội ở Nhật, anh được đá chính trong màu áo Incheon United 2 trận tại R.League - giải dành cho các cầu thủ dự bị. Ảnh: Incheon United. |
Họ sẽ phải làm mọi thứ có thể, vận dụng tất cả kỹ năng vốn có, học tập từ những điều nhỏ nhất. Một bàn thắng trong buổi đá tập, vài từ tiếng Anh để nói đùa với đồng nghiệp, ăn được sushi với mù tạt không nhăn mặt... Tất cả điều nhỏ nhặt ấy là thứ họ phải học. Và chúng sẽ giúp họ trong cuộc sinh tồn khắc nghiệt ở môi trường mới.
Sẽ không còn những bức tường vững chãi của học viện Hàm Rồng, không còn những chỉ bảo ân cần từ thầy “Giôm”, không cả bàn tay che chở từ bầu Đức, những CLB của họ là các đội bóng “hợp chủng quốc”. Ở đây, chỉ có một luật lệ duy nhất: luật lệ của tài năng.
Trưởng thành không phải là câu chuyện riêng của Công Phượng và đồng đội. Trước họ, rất nhiều tài năng lớn từng phải “nằm gai nếm mật”. Cầu thủ xuất sắc nhất Premier League mùa này Riyad Mahrez từng có 8 năm chơi bóng ở các giải đấu cấp thấp. Đàn anh của Công Phượng là Công Vinh từng phải sống dưới cái bóng của Văn Quyến suốt thời gian dài.
Họ đều đã phải đối diện với nghịch cảnh và vượt qua chúng. Đó cũng là con đường duy nhất mà Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh được lựa chọn: vượt qua nghịch cảnh.