Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã tốn khá nhiều công sức để đàm phán với các CLB nhả Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường về chơi cho đội tuyển ở giải đấu cuối năm. Mặc dù vậy, Công Phượng sẽ chỉ đóng vai dự bị hạng sang.
Từ khi HLV Hữu Thắng ngồi ghế nóng ĐTVN, ông đã rất thành công trong việc ghép nối và khai thác những phẩm chất đặc biệt của cặp tiền vệ Tuấn Anh – Xuân Trường. Nhưng với Công Phượng, quả thực ông Thắng chưa thể biết sẽ đặt anh vào vị trí nào.
Công Phượng chơi quá cá nhân nên chưa hoà nhập được với các miếng đánh mà HLV Hữu Thắng xây dựng cho ĐTVN. Ảnh: Quốc Bảo |
Kỹ thuật, tốc độ, sự biến hoá của Công Phượng đã được khẳng định từ khi anh còn ở tuổi U19. Nhưng khả năng hoà nhập với lối chơi chung thì vẫn đang là vật cản với cầu thủ người Đô Lương.
Có vẻ như Công Phượng không có duyên với triều đại Hữu Thắng. 2 trận đầu tiên của ông Thắng ở vòng loại World Cup, Phượng bị chấn thương, không được gọi. 2 trận cúp Tứ hùng tại Myanmar, Phượng có tên nhưng không được đá vì tái phát vết đau đầu gối. Trận giao hữu gần nhất trên đất Indonesia, Phượng không theo đội vì phải về Nhật phục vụ CLB.
Tính chi li, thời gian Hữu Thắng cho Công Phượng xuất hiện trên sân chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. 30 phút trận gặp Syria, 20 phút trận gặp Triều Tiên – đều ở vị trí thay người.
Nếu trận Syria, Công Phượng vừa lành chấn thương gãy xương vai đã ít nhiều tạo được tiếng ồ cho khán giả thì đến trận Triều Tiên, anh hoàn toàn lành lặn nhưng không để lại ấn tượng gì ngoài kiểu tóc thời thượng.
Những người hâm mộ Công Phượng vẫn cấn cá rằng anh có quá ít cơ hội để thể hiện mình. Nhưng chính ông Nguyễn Công Bảy, bố đẻ của Phượng lại thừa nhận con trai ông chưa phối hợp tốt với đồng đội.
Đấy chính là vấn đề của Phượng, và cũng là vấn đề của Hữu Thắng. Ông Thắng khi bảo vệ quyết định triệu tập một cầu thủ không được thi đấu gần hết cả mùa như Công Phượng, đã lý giải rằng ông ưu tiên chọn những người phù hợp với triết lý của ông.
Nhưng cho đến giờ, ông Thắng vẫn khó lòng xác định được Phượng sẽ chơi tốt ở vị trí nào, tiền đạo hay tiền vệ công, trung lộ hay dạt cánh…
Công Phượng khi còn ở lò đào tạo HAGL được phép chơi cá nhân, và là tâm điểm để đồng đội xoay quanh. Nhưng lên tuyển, đặc quyền ấy không còn nữa.
Công Phượng đang gây thất vọng ở triều đại mới của HLV Hữu Thắng. Ảnh: Quốc Bảo |
ĐTVN được xây dựng trên nền tảng kiểm soát bóng tốt ở giữa sân và phát triển bóng nhanh ở tuyến trên. Công Phượng lại có xu thế lùi về tìm bóng và đi bóng, như vậy vừa giẫm vào chân các tiền vệ, vừa làm chậm nhịp độ chung, lại có nguy cơ mất bóng bị phản công.
HLV Lê Thuỵ Hải quan sát Công Phượng vào sân ở trận đấu với Triều Tiên đã nhận xét: “đá thế thì không tiến bộ được”. Như mô tả của ông Hải thì Phượng đi bóng như húc đầu vào đá, chạy chỗ thì tối và khiến đồng đội không biết di chuyển thế nào.
Ông Hải “lơ” là thế, luôn nói kiểu vỗ thẳng vào mặt, nhưng về bản chất là chính xác.
Nếu đá tiền đạo, Phượng không thể chiếm suất của Công Vinh, Văn Quyết, thậm chí Đình Tùng còn được sử dụng thường xuyên hơn anh. Nếu đá tiền vệ, Phượng cũng khó lòng tranh chấp với Văn Toàn, Thành Lương… Hữu Thắng nếu tin dùng Công Phượng thì cũng chỉ phòng khi lối chơi phối hợp bị bắt bài, cần một cá nhân đột biến.
ĐTVN lúc này không thiếu nhân lực ở các vị trí tấn công. Các miếng tấn công cũng đã định hình, cho thấy tính hợp lý, hiệu quả và linh hoạt trước nhiều dạng đối thủ.
Công Phượng nếu muốn hoà nhập vào môi trường ấy thì buộc phải thay đổi lối chơi của mình cho đơn giản, mạch lạc hơn. Bằng không, anh sẽ chỉ là một quân bài dự bị mờ nhạt ở AFF Cup.
Công Phượng mới chỉ góp mặt ở 2 trong 7 trận đấu của HLV Hữu Thắng, được vào sân khoảng 50 phút và chưa ghi được bàn thắng nào. Mặc dù vậy, anh vẫn nằm trong nhóm cầu thủ chắc suất được dự AFF Cup 2016.