Câu chuyện về số phận cây cầu Long Biên những ngày qua tốn không ít giấy mực của dư luận. Đưa ra 3 phương án bảo tồn, trong đó có tháo dỡ, di chuyển ra vị trí khác, Bộ GTVT đang bị “đuối” lý trước các chuyên gia kiến trúc, xây dựng, cũng như các chuyên gia văn hóa bảo tồn. Các chuyên gia cho rằng phải làm sao để vừa bảo tồn nó như là một di sản văn hóa quốc gia, vừa phục vụ cho sự phát triển của kinh tế xã hội.
Quá phũ phàng
Sau làn sóng phản ứng của dư luận xã hội, các phương án xây dựng cầu Long Biên của Bộ GTVT đã tạm thời bị hủy bỏ, nhưng câu chuyện đặt ra hiện nay là chúng ta sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của cây cầu lịch sử này như thế nào để vừa đáp ứng tốt nhất yêu cầu bảo tồn cầu Long Biên, giữ được tính di sản, tính biểu tượng đồng thời đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
KTS Quy hoạch đô thị Nguyễn Nga, CT HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bảo tồn Phát triển Cầu Long Biên, khẳng định: “Chúng ta tưởng rằng giải quyết kinh tế thì phải bỏ di sản đi, nhưng đối với cây cầu Long Biên, điều đó hoàn toàn sai”.
Đồng thuận với ý kiến này, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc cho rằng các ý kiến phản đối là xác đáng.
“Cái sai của các phương án là chúng ta đã ứng xử với cây cầu Long Biên phũ phàng quá, không coi nó là di sản mà coi nó như là cây cầu, hỏng thì chữa, nát quá thì đập xây lại". Vị này cho rằng, chúng ta phải nghĩ cho thế hệ mai sau, vì đây là chứng nhân vô giá.
Chúng ta có đang quá phũ phàng với cầu Long Biên? |
Dư luận đặt câu hỏi, Hà Nội hiện nay được mở rộng rất nhiều, dân số đông hơn rất nhiều sơ với trước, tại sao lại phải bám vào một cây cầu ở trung tâm thành phố và đã cũ, mà lại không tìm ra những yếu tố mới trong phát triển? Phản đối các phương án của Bộ GTVT là quá vội vã, là đang tìm cách “đè vào di sản”, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng đó là do tư duy “mì ăn liền” rất quen thuộc của các dự án bây giờ, nghĩa là cứ nhè vào những chỗ “bờ xôi ruộng mật”, nhè vào chỗ ngon lành để sử dụng lại cho nó dễ dàng.
“Đó là lối tư duy chụp giật, tư duy kinh tế thời vụ, trước mắt mà xóa bỏ giá trị văn hiến lâu dài, xóa bỏ những nồi cơm di sản mà đáng lẽ sau này con cháu chúng ta được thụ hưởng”, bà Thục nói.
Cầu Long Biên phải là di sản ngay
Theo GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, việc đầu tiên hiện nay là phải lập hồ sơ để công nhận cây cầu này là di sản, sau đó chúng ta sẽ có cách để vừa bảo tồn nó như là một di sản văn hóa quốc gia, vừa phục vụ cho sự phát triển của kinh tế xã hội.
Theo GS. Châu, không thể quá coi trọng vấn đề bảo tồn mà coi nhẹ vấn đề phát triển. Sắp tới, Hà Nội phải làm được cả hai vấn đề ấy với tiêu chí: vừa bảo vệ di sản, vừa góp phần vào cấu trúc đô thị mới đáp ứng được sự phát triển hết sức sôi động của thành phố hiện nay, từ đó nâng cao giá trị của cây cầu.
“Xưa nay, nước ta thường hay có tư duy Bộ nào làm việc Bộ ấy, cứ cầu đường là của Bộ giao thông, nhà cửa là của bên Kiến trúc… nên các vấn đề đều không được giải quyết toàn diện"
Vậy nên theo ông Châu, phương án xây dựng, tôn tạo cầu Long Biên sắp tới phải được sự tham gia của liên ngành: giao thông, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kinh tế xã hội…mới mong tìm ra được phương án tối ưu.
Hơn nữa, phải đặt ra tiêu chí vừa bảo vệ di sản, vừa góp phần vào cấu trúc đô thị mới đáp ứng được sự phát triển sôi động của Hà Nội hiện nay, từ đó nâng cao giá trị của cây cầu.
"Phải nghĩ cho con cháu, cho thế hệ mai sau, đây là chứng nhân về mọi mặt, đây là giá trị vô giá”, ông Châu đề xuất.
Cầu Long Biên cần được công nhận là di sản văn hóa. |
Với quan điểm rất cần cầu Long Biên cho đô thị Hà Nội trong quá trình phát triển, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cho rằng “Bộ GT, TP.Hà Nội không nên độc diễn nữa”, mà chúng ta nên đưa ra trưng cầu dân ý một cách minh bạch tất cả những phương án của các tổ chức trong và ngoài nước đã đề xuất, để người dân có tiếng nói và các chuyên gia có ý kiến.
Tuy nhiên, theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, chúng ta cần lựa chọn kỹ trước những phương án do nước ngoài cũng như trong nước đề xuất, vì: “nước ngoài có khi xui khôn, nhưng cũng có khi xui dại".
Do đó, KTS Nghiêm đề nghị cần xem xét, cân nhắc các phương án một cách thận trọng: Nên xây dựng cầu mới ở đâu, cách cầu cũ bao xa? Có bảo tồn không? Bảo tồn để làm gì và bảo tồn như thế nào? Làm như thế nào để thu hồi tiền, vì chúng ta đang khó khăn?